Chiến lược đầu tư chứng khoán trong thời kỳ biến động
Chính sách thuế quan mới của Mỹ vừa gây chấn động thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, kéo theo những biến động mạnh mẽ từ chỉ số S&P 500 của TTCK Mỹ đến VN-Index của Việt Nam, mở ra cả thách thức và cơ hội cho các nhà đầu tư chứng khoán.
Sức ép từ chính sách thuế mới
Vào rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp dụng các mức thuế đối ứng nhằm nhắm vào tất cả các nước trên thế giới.
Theo đó, Nhà Trắng tuyên bố mức thuế cơ bản 10% sẽ được áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4. Trong đó, nhiều quốc gia sẽ chịu mức thuế cao hơn, ví dụ như Trung Quốc đối mặt với mức thuế 34% (cộng thêm 20% thuế đã công bố trước đó, tổng cộng là 54%, có hiệu lực từ 9/4), Liên minh châu Âu (EU) 20%...
Theo các nhà phân tích, đây là những mức thuế cao hơn so với kỳ vọng trước đó của các nhà đầu tư và đã ngay lập tức tác động đến nhiều TTCK trên phạm vi toàn cầu do lo ngại các biện pháp thuế quan của Mỹ sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt với các mặt hàng như linh kiện điện tử từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Phiên 3/4, TTCK Mỹ chứng kiến sự giảm mạnh với chỉ số S&P 500 ETF giảm 2,2%, phản ánh lo ngại về chi phí nhập khẩu tăng cao và áp lực lạm phát. Chỉ số Nasdaq-100, vốn tập trung vào các công ty công nghệ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm mạnh hơn với mức 3,3%.

Tại Việt Nam, trước thông tin về chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, ngay trong phiên mở cửa ngày 3/4, VN-Index đã giảm với gap âm hơn 40 điểm. Đà bán kéo dài và chỉ có dấu hiệu chững lại khi chỉ số giảm xuống mức 1.230 điểm. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại mức 1.229,84 điểm, giảm gần 90 điểm so với phiên giao dịch hôm trước. Ở phiên 04/4, tâm lý bắt đáy đã xuất hiện dù vậy, dường như nhà dầu tư chưa thể trút bỏ gánh nặng lo âu nên chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục giảm so với phiên trước.
Cần nhìn nhận thị trường từ góc độ dài hạn
Trong sự kiện “Investor Day: Chiến lược đầu tư với sách mới” do Dragon Capital Việt Nam tổ chức chiều ngày 3/4, bà Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản Khối trong nước, cho biết các biến động mạnh trên TTCK Việt Nam không chỉ gây bất ngờ cho giới đầu tư trong nước mà còn có ảnh hưởng rộng đến thị trường tài chính toàn cầu.
Với các nhà kinh doanh và chuyên gia tài chính, đây là chuỗi sự kiện mang tính bước ngoặt, phản ánh đặc điểm vốn có của TTCK: “Biến động luôn là một phần tất yếu”. Bà Hạnh cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cần nhìn nhận thị trường từ góc độ dài hạn thay vì phản ứng thái quá với các biến động ngắn hạn.
Giải thích thêm về góc nhìn dài hạn, bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu - cho rằng, mặc dù sự sụt giảm mạnh của TTCK đã phản ánh rõ nét tâm lý lo âu của nhà đầu tư, nhưng với một nền kinh tế có nội tại bền vững, tác động từ bên ngoài chỉ mang tính nhất thời và sau một thời gian sẽ chuyển hướng về xu hướng chung là tăng trưởng.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, theo bà Minh, so với các quốc gia trong khu vực ASEAN và so sánh với các quốc gia ở nhóm thị trường mới nổi, thì tăng trưởng mục tiêu của Việt Nam đạt trên 8,8% được xem là mức cao nhất, trong khi Thái Lan mức tăng trưởng mục tiêu chỉ đạt 3-5%, Malaysia 4,5-5%, hay như Philipines cũng chỉ ở mức 6-8%. Như vậy, xét về góc độ tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được mức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn. Hiện Chính phủ đang nỗ lực cải cách thể chế và đầu tư công nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa từ khối nhà nước sang các khối tư nhân, tạo động lực tăng trưởng ổn định cho thị trường Việt Nam.
Về tăng trưởng của TTCK, theo bà Minh, có thể nhận diện 5 yếu tố chính sau đây:
Thứ nhất, ổn định vĩ mô. Sau quyết định về thuế của Chính phủ Mỹ, cần theo dõi các diễn biến tiếp theo. Song tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp kịp thời để đàm phán với Chính phủ Mỹ, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ và kích thích tiêu dùng trong nước.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ: Các chính sách thúc đẩy đầu tư công và tăng tiêu dùng nội địa sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp: Dù khó dự đoán, nhưng theo bà Minh, trong kịch bản cơ sở của Dragon Capital, doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận từ 15-17%. Theo đó, những vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản sẽ được tháo gỡ triệt để, giúp ngân hàng tự tin giải ngân tín dụng và cải thiện tiêu dùng cá nhân, từ đó nâng cao tâm lý đầu tư trong nước.
Thứ tư, định giá thị trường: Hiện tại, Việt Nam đang có mức định giá hấp dẫn so với thị trường trong khu vực với chỉ số P/E forward khoảng 10 lần - mức thấp nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, định giá có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như tâm lý lo lắng và dòng tiền của nhà đầu tư, chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Với lợi nhuận kỳ vọng của năm 2025, mức P/E và giá trên giá trị sổ sách có thể đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm.
Thứ năm, yếu tố tâm lý và các chất xúc tác thị trường: Hệ thống giao dịch KRX mới sẽ được triển khai chính thức từ ngày 5/5, tạo điều kiện cho việc giới thiệu các sản phẩm mới và rút ngắn quy trình thanh toán, từ đó khôi phục lại tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, việc nâng hạng thị trường theo kế hoạch - dự kiến Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9/2025 - cũng góp phần tích cực.
Để có một danh mục đầu tư an toàn, bà Minh khuyến nghị các nhà đầu tư nên tập trung chọn lọc những cổ phiếu thuộc các ngành có độ bền vững cao, các công ty có bảng cân đối tài chính ổn định và được hưởng lợi từ các chính sách nội địa.
Với nhà đầu tư cá nhân, nên duy trì chiến lược dài hạn và không phản ứng thái quá với những biến động ngắn hạn. “Tác động của chính sách thuế là có thật, nhưng không phải không thể kiểm soát. Khi thị trường điều chỉnh do yếu tố bên ngoài, đó cũng là lúc cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn xuất hiện”, bà Minh nhấn mạnh.
Theo tính toán, trong VN-Index, tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế suất Mỹ là rất thấp. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam – đã loại trừ ngành tài chính và bất động sản - khoảng 111 tỷ USD, trong đó chỉ có 18% đến từ các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu, và chỉ 2% doanh thu trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Do đó, tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của VN-Index từ việc áp thuế suất này không quá đáng kể. Các ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu gồm ngành hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép và các vật liệu khác, với tổng giá trị vốn hóa chỉ chiếm khoảng 5,5% của toàn bộ VN-Index.