Chiến lược dài hạn thời thuế quan Trump 2.0

Chính sách thương mại thời Trump 2.0 đã đi xa khỏi các mô hình cổ điển. Thật khó để tin rằng nó là câu chuyện thặng dư hay nhập siêu.

Khi thương mại không còn đạo lý - và Trump không còn kiên nhẫn

Chính sách thương mại thời Trump 2.0 đã đi xa khỏi các mô hình cổ điển. Thật khó để tin rằng nó là câu chuyện thặng dư hay nhập siêu. Những cơn thịnh nộ thuế quan từ các dòng Tweet của Trump cho thấy nó không còn là trật tự mà là thời đại của cảm xúc kỷ nguyên hậu toàn cầu hóa.

Thuế quan giờ là thứ để trừng phạt những ai làm nước Mỹ tổn thương bất kể vì lý do nào.

Từ thép, chip, đến giày dép, mọi mặt hàng đều có thể bị đánh thuế nếu nó gợi lên ký ức về việc làm mất đi, nhà máy đóng cửa, hay sự tức giận vì dám xúc phạm Trump.

Đề xuất từ bên trong nước Mỹ

Cách chúng ta đang đàm phán với Mỹ về thuế quan đang đi đúng hướng. Nhưng nó chỉ là ngắn hạn. Một số tiếng nói có ảnh hưởng từ ngay trong lòng nước Mỹ giúp ta có cách nhìn dài hạn về chính sách thuế quan của Mỹ. Trong một bài viết có ảnh hưởng từ Viện Công nghệ MIT - David Foster - cựu lãnh đạo nghiệp đoàn ngành thép Mỹ - đã chỉ ra:

Vấn đề không phải là hàng rẻ từ nước ngoài mà là tại sao các công ty Mỹ lại chọn sản xuất ở nơi có tiêu chuẩn lao động thấp, không bảo hiểm xã hội, không chi phí bảo vệ môi trường rồi nhập khẩu về với giá rẻ mạt.

Nước Mỹ không thể vĩnh viễn theo đuổi làn sóng thuế quan cảm xúc. Foster đề xuất một mô hình đơn giản nhưng có khả năng sẽ ảnh hưởng đối với chính quyền Trump 2.0. Theo đó, nếu doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở Mexico, nhưng không trả lương đàng hoàng, không tuân thủ luật môi trường…thì sản phẩm đó sẽ bị đánh thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở Mexico nhưng đảm bảo tiêu chuẩn lao động, môi trường… gần giống như ở Mỹ hay tiêu chuẩn chung thì họ sẽ không bị trừng phạt.

Đây là một dạng thuế quan định chuẩn - dùng để bảo vệ không phải ngành sản xuất mà là giá trị lao động công bằng.

Trong khi Trump dùng thuế để dằn mặt Trung Quốc, chèn ép EU, cảnh cáo các nước trong đó có Việt Nam thì Foster đề xuất thuế định chuẩn. Chính các tập đoàn Mỹ sẽ phải chọn: trả lương công bằng ở Mexico hoặc đâu đó; hoặc bị đánh thuế khi nhập hàng về Mỹ.

Mặc dù là tiếng nói có ảnh hưởng tại Mỹ, đề xuất của Foster chưa chắc liệu có được Trump lắng nghe hay không, rất đáng để chúng ta suy nghĩ dài hạn cho tương lai.

Hàm ý cho Việt Nam

Việt Nam đang hưởng lợi nhờ chuỗi giá trị dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Nhưng nếu Mỹ đi theo mô hình thuế quan định chuẩn như đề xuất của Foster, ta thử phác họa hai kịch bản.

Những ngành trả lương thấp, thiếu an toàn lao động, thiếu minh bạch môi trường sẽ sớm trở thành mục tiêu của chính sách thuế đạo lý - cho dù họ có đạo lý thật lòng hay không.

Và Việt Nam có thể bị đánh thuế mà không hiểu vì sao. Nó không nằm ở biểu thuế mà nằm ở tiêu chuẩn.

Vậy ta phải làm gì? Thay vì chỉ lo đối phó thuế, song song đó Chính phủ cần chỉ đạo triển khai bản đồ tiêu chuẩn lao động, môi trường cho từng ngành, từng vùng. Không cần làm toàn diện, chỉ cần bắt đầu từ dệt may, điện tử, chế biến gỗ là đủ để gửi tín hiệu rằng Việt Nam không xuất khẩu sự bất công.

Liệu điều này có thực tế hay không? Sẽ có nhiều quan điểm. Nhưng có một điều chắc chắn: Việt Nam cần phải chủ động có trách nhiệm viết lại luật chơi trong một thế giới không có trung tâm. Việt Nam cần chủ động đề xuất thuế quan định chuẩn với Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN.

Nếu Việt Nam chứng minh mình có tiêu chuẩn tương đương trong vài lĩnh vực, kỳ vọng ta có thể giảm bớt thiệt hại với làn sóng thuế quan cảm xúc.

Đã đến lúc không thể xem tiêu chuẩn lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường là chi phí. Đây không phải là gánh nặng. Nó chính là giấy thông hành để hàng Việt vượt qua được các chốt kiểm tra thuế quan phẫn nộ của siêu cường.

Nếu thế giới của các siêu cường đang áp dụng những mức thuế cho hả giận thì Việt Nam sao không thể là kẻ tiên phong dẫn dắt phong trào thuế quan biết phân biệt: ai là người tạo giá trị thật; ai là người đang tước đi phẩm giá của các nước.

Đó là cơ hội để Việt Nam bước lên hàng ngũ các nước xuất khẩu trách nhiệm, chứ không chỉ là hàng hóa. Có làm Trump 2.0 hài lòng không chưa biết. Nhưng ta vẫn còn nhiều đối tác thương mại toàn cầu để chơi một cách bền vững.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, Đại học Kinh tế TPHCM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chien-luoc-dai-han-thoi-thue-quan-trump-20-post122977.html
Zalo