Chiến dịch của Ukraine ở Kursk có thể đẩy châu Âu vào khủng hoảng năng lượng

Các chuyên gia nhận định, giao tranh ở Kursl có thể ảnh hưởng trực tiếp tới trạm trung chuyển khí đốt cuối cùng từ Nga đến châu Âu ở thị trấn Sudzha.

Theo Chủ tịch Cộng đồng hòa bình Hungary Endre Simo, hoạt động quân sự của Ukraine ở vùng Kursk thuộc Nga, nơi đặt trạm đo và trung chuyển khí đốt Sudzha, có thể gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng sâu rộng đối với Liên minh Châu Âu (EU).

"Việc quân đội Ukraine xâm nhập lãnh thổ Nga và khả năng trạm bơm Sudzha bị chiếm đóng có thể ảnh hưởng đến các thành viên EU như Hungary và Slovakia", ông Simo phân tích.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Ukraine di chuyển gần biên giới với Nga ngày 9/8. (Ảnh: Reuters)

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Ukraine di chuyển gần biên giới với Nga ngày 9/8. (Ảnh: Reuters)

Ông Simo cảnh báo, diễn biến này có thể đe dọa cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Nga cho các nước EU thông qua đường ống ở Sudzha, tương tự việc đóng cửa đường ống dẫn dầu Druzhba từ Ukraine.

Với sự phụ thuộc của Hungary và Slovakia vào nguồn cung năng lượng của Nga, ông Simo cho rằng Ukraine sẽ sử dụng vấn đề này để gây sức ép buộc Budapest và Bratislava phải nhượng bộ về chính trị và quân sự.

Các báo cáo cho thấy kể từ khi hàng nghìn binh lính Ukraine vượt qua biên giới và đến Sudzha trong hôm 6/8, nhiều trận chiến quyết liệt đã xảy ra xung quanh thị trấn này.

Ngày 10/8, ông Vitaly Slashchev, lãnh đạo thị trấn Sudzha, bác bỏ thông tin quân đội Ukraine đã kiểm soát thị trấn cũng như các cơ sở của tập đoàn năng lượng Gazprom ở địa phương, sau khi thông tin này lan truyền trên mạng xã hội.

Ba vùng giáp biên giới Ukraine mà Nga triển khai "cơ chế chống khủng bố". (Đồ họa: Sky News)

Ba vùng giáp biên giới Ukraine mà Nga triển khai "cơ chế chống khủng bố". (Đồ họa: Sky News)

Sudzha là trạm đo khí đốt cuối cùng còn hoạt động giữa Ukraine và Nga. Đầu năm 2022, Ukraine đã đóng cửa trạm Sohranovka ở Donbass. Đến tháng 8 cùng năm, Kiev yêu cầu toàn bộ dòng khí đốt phải được chuyển hướng qua Sudzha, nhưng Moskva đã từ chối yêu cầu này.

Mặc dù xung đột Nga-Ukraine đã bùng nổ từ tháng 2/2022, Gazprom vẫn tiếp tục cung cấp năng lượng qua lãnh thổ Ukraine và trả phí vận chuyển cho Kiev, điều này phần nào đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Tuy nhiên, Chính phủ Ukraine gần đây đã nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt hoàn toàn các hoạt động xuất khẩu của Nga.

Trà Khánh (Nguồn: Sputnik)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chien-dich-cua-ukraine-o-kursk-co-the-day-chau-au-vao-khung-hoang-nang-luong-ar888627.html
Zalo