Chiến địa Pensylvania 'rực lửa', bà Harris tung chiêu 'gậy ông đập lưng ông' với ông Trump

Sát ngày bầu cử, bà Harris dường như đang tấn công đối thủ Trump bằng những tuyên bố của chính ông. Chiến thuật 'gậy ông đập lưng ông', bên cạnh tần suất xuất hiện dày đặc trước cử tri trong những tuần gần đây, được kỳ vọng sẽ mang về cho Phó Tổng thống chiến thắng ở các bang dao động quan trọng, trong đó có Pennsylvania.

Là một trong 7 bang bang chiến trường quan trọng, Pennsylvania liên tiếp đón các ứng viên tranh cử ghé thăm trong thời gian gần đây. 19 phiếu đại cử tri của Pennsylvania khiến bang này có sức hút lớn hơn nhiều so với các chiến địa khác, bao gồm Georgia (16 phiếu), Michigan (15 phiếu), Arizona (11 phiếu) và Wisconsin (10 phiếu).

Đối với cả hai ứng viên, Pennsylvania là bang “phải thắng”. Tới nay, hai ứng viên đã chi khoảng khoảng 350 triệu USD cho các quảng cáo trên truyền hình tại Pennsylvania, thậm chí còn nhiều hơn cả Michigan và Wisconsin cộng lại.

Các nhân viên chiến dịch từ lưỡng đảng đều đang nỗ lực gõ cửa từng nhà nhằm giành thêm phiếu bầu cho ứng viên đảng mình. Hồi đầu tháng 10, chiến dịch của bà Harris cho biết họ đã gõ cửa 100.000 ngôi nhà trong tiểu bang chỉ trong ngày 5/10 – đây là lần đầu tiên chiến dịch đạt được ngưỡng đó trong một ngày. Không chịu kém thế, chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng vừa thành lập nhóm Trump Force 47 - một mạng lưới tình nguyện viên có mục tiêu giành được sự ủng hộ từ các cử tri độc lập, bao gồm 35.000 cử tri độc lập tại quận Erie – khu vực liên tục đưa ra chỉ báo chính xác về người chiến thắng trong các cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ từ năm 2008 tới nay.

Phó Tổng thống Kamala Harris tại sự kiện tranh cử ở Pennsylvania hôm 14/10. Ảnh: NPR

Phó Tổng thống Kamala Harris tại sự kiện tranh cử ở Pennsylvania hôm 14/10. Ảnh: NPR

Chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”

Xuất hiện trên màn hình lớn tại sự kiện tranh cử tại tiểu bang dao động tại quận Erie (Pennsylvania) hôm 14/10, những lời chỉ trích của cựu Tổng thống Donald Trump về “kẻ thù bên trong của nước Mỹ” không nhận được sự cổ vũ nhiệt tình thường thấy từ cử tri bên dưới khán đài. Bởi lẽ, đối thủ của ông Trump - bà Kamala Harris mới nhân vật chính của sự kiện này.

Bước ra khỏi cánh gà, Phó Tổng thống lập tức đi thẳng vào vấn đề: “Các bạn, hãy rút điện thoại ra và quay clip lại để mọi người đều có thể biết rõ ông Donald Trump là ai. Đây là người đàn ông luôn rao giảng với chúng ta về kẻ thù bên trong nước Mỹ nhưng kẻ thù thực sự với ông ấy là những người người đi ngược lại với ý muốn của ông ấy mà thôi”. Trước đó, ông Trump nhiều lần gọi các đối thủ đến từ đảng đối lập là những “kẻ thù bên trong”, cho rằng họ nguy hiểm hơn nhiều so với những mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ.

“Các bạn không cần phải tin tôi nhưng hãy tin những gì mà bạn thấy. Khi ấy, bạn sẽ biết ai mới là kẻ thù bên trong”, bà Harris nói với 6.000 người tham dự sự kiện.

Chuyến thăm của bà Harris tới quận Erie, một quận đóng vai trò then chốt đối với chiến thắng toàn tiểu bang, là chuyến thăm đầu tiên của bà với tư cách là ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ kể từ khi tiếp nhận “ngọn đuốc” từ Tổng thống Biden. Ông Trump từng giành chiến thắng tại quận này vào năm 2016 nhưng đã để thua sít sao 1% (tương đương 1.417 phiếu bầu) trước ông Biden vào năm 2020, từ đó mất Pennsylvania vào tay người kế nhiệm.

Nửa đầu bài phát biểu, bà Harris đã trình bày các đề xuất chính sách nhằm xây dựng một "nền kinh tế cơ hội", giải quyết tình trạng bán phá giá và mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare dành cho người già và bệnh nhân. Phó Tổng thống gọi Erie là "quận trục" và kêu gọi những người trong đám đông hãy bỏ phiếu trước tháng 11, vì cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở tiểu bang này.

Nhưng nửa sau bài phát biểu là lúc bà Harris tăng cường tấn công ông Trump. Bà ngày càng tham gia vào chiến lược vận động tranh cử khác thường: hướng sự chú ý của cử tri đến các cuộc mít tinh của đối thủ. Trong cuộc tranh luận Tổng thống vào tháng trước, lần đầu tiên, ứng viên đảng Dân chủ này khuyến khích người Mỹ theo dõi những lần ông Trump xuất hiện trước công chúng và tập trung vào các tuyên bố gây tranh cãi cũng như các hành vi được xem là bất thường của ông.

Chiến dịch của Phó Tổng thống Mỹ hôm 14/10 cũng phát hành một quảng cáo mới có tên “Kẻ thù bên trong” dựa trên những phát biểu của ông Trump, có sự góp mặt của hai cựu trợ lý an ninh quốc gia của cựu Tổng thống là bà Olivia Troye và ông Kevin Carroll.

Thống đốc Minnesota Tim Walz. Ảnh: Getty

Thống đốc Minnesota Tim Walz. Ảnh: Getty

Các cuộc tấn công của đảng Dân chủ trở nên dồn dập trong tối cùng ngày. Tại Green Bay, Wisconsin, người đồng hành tranh cử của bà Harris, Thống đốc Minnesota Tim Walz đã tung ra những lời chỉ trích gay gắt nhất từ trước đến nay về ông Trump. Xuất thân là quân nhân, ông Walz cho rằng ý tưởng “sử dụng quân đội để dẹp yên các cuộc bạo loạn” của cựu Tổng thống là một ý tưởng “cực kỳ tồi tệ”.

Phát biểu của ông Walz được cho là lời đáp trả đối với những gì cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố tại quận Erie hồi tháng trước, nơi ông cho rằng “bạo lực mới có thể giải quyết bạo lực” ở các thành phố của Mỹ.

Hồ sơ sức khỏe lên tiếng

Thời gian gần đây, bà Harris đã liên tục công kích ông Trump về vấn đề sức khỏe tinh thần, đặc biệt sau sự kiện tranh cử của ông Trump tại Philadelphia, Pensylvania hồi đầu tuần này, nơi cựu Tổng thống đột ngột ngừng trả lời câu hỏi từ cử tri để đắm chìm vào những bài hát yêu thích của mình suốt gần 40 phút.

Màn trình diễn ngẫu hứng của ông Trump đã nhận được những tràng pháo tay và cả nỗi lo lắng. Những người ủng hộ ca ngợi “sức quyến rũ độc đáo” của cựu Tổng thống, trong khi những người chỉ trích coi đó là dấu hiệu đáng lo ngại về sức khỏe tâm lý.

"Hy vọng ông ấy ổn" - bà Harris viết trên mạng X, kèm theo một video quay lại cảnh ông Trump nhảy một mình trên sân khấu.

Sự việc này xảy ra vào thời điểm then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống, khi những lo ngại về tuổi tác và sức khỏe của ông Trump đã trở thành trọng tâm trong các đối sách vận động tranh cử của bà Harris. Sau khi ông Joe Biden (81 tuổi) rời cuộc đua vào Nhà Trắng sau một thời gian dài bị bủa vây bởi những câu hỏi liên quan đến “sự minh mẫn của Tổng thống”, đảng Dân chủ đã lựa chọn bà Kamala Harris - một ứng trẻ tuổi hơn ra tranh cử, đồng thời “ném trả” những câu hỏi ấy về phía đảng đối lập. Ông Trump (78 tuổi) sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nếu thắng cử vào năm nay và kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ở tuổi 82.

Cuối tuần trước, bà Harris đã công bố hồ sơ bệnh án cá nhân, trong đó kết luận bà có "sức khỏe tuyệt vời" và đủ khả năng đảm nhận cương vị tổng thống. Hiện Phó Tổng thống đang gia tăng áp lực buộc ông Trump cũng phải có hành động tương tự.

"Tôi công khai hồ sơ bệnh án của mình, tại sao ông Trump không làm như vậy? Có điều gì uẩn khúc ở đây chăng?" bà Harris nói trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tuần này.

Kể từ 13/10, đã có hơn 230 chuyên gia sức khỏe ủng hộ bà Harris kêu gọi ông Trump tiết lộ tiền sử bệnh án của mình, với lý do rằng những hành vi của ông trong thời gian gần đây thể hiện "những dấu hiệu đáng báo động về tình trạng suy giảm nhận thức". Cho đến nay, ông Trump vẫn từ làm theo yêu cầu này.

Trong một cặp bài đăng trên Truth Social vào sáng 15/10, ứng viên đảng Cộng hòa tuyên bố bản thân "khỏe mạnh hơn nhiều so với ông Clinton, Bush, Obama, Biden và đặc biệt là bà Kamala" nhưng ông "quá bận rộn với chiến dịch tranh cử để có thời gian" chứng minh điều đó.

Hiện ông Trump và bà Harris vẫn bám đuổi sát nút trên các bảng thăm dò dư luận về tỷ lệ ủng hộ của cử tri tại bang Pennsylvania. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chiến thuật tranh cử mới của bà Harris sẽ thực sự kéo giãn khoảng cách giữa hai ứng cử viên tại khu vực này và khả năng “nhuộm xanh” Pennsylvania của đảng Dân chủ vẫn khó đoán định trong cuộc đua năm nay.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The New York Times, USA Today, The Telegraph

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chien-dia-pensylvania-ruc-lua-ba-harris-tung-chieu-gay-ong-dap-lung-ong-voi-ong-trump-post1128814.vov
Zalo