Chiến đấu cơ F-16: 'Đại bàng gãy cánh' trên chiến trường Ukraine

Ít nhất 5 chiếc tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất được cho là đã bị phá hủy ngay trên đất Ukraine khi những chiến đấu cơ hiện đại này chưa kịp tham gia các hoạt động chiến đấu trực tiếp. Nếu những thông tin này chính xác, F-16 đã có một sự khởi đầu tồi tệ trong cuộc xung đột Nga – Ukraine và Kiev đã mất đi một lượng lớn những chiến đấu cơ hiện đại được Hà Lan viện trợ trong đợt đầu tiên. Chuyện gì đang xảy ra với F-16 tại Ukraine?

F-16 và sự khởi đầu tồi tệ tại Ukraine

Ngay từ khi tiếp nhận, không quân Ukraine đã gặp khó khăn với các tiêm kích F-16, dù loại máy bay này được kỳ vọng sẽ giúp họ bảo vệ các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng khỏi các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga cũng như thực hiện các đợt tấn công làm suy hao lực lượng đối phương. Chiếc F-16 đầu tiên bị mất khi phi công Alexei Mès – một trong những phi công giàu kinh nghiệm nhất của Ukraine – đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở hậu cần.

Do số lượng các hệ thống phòng không của Ukraine, cả do Liên Xô và NATO sản xuất, không đủ để đảm bảo bảo vệ hiệu quả, phương Tây đã quyết định chuyển giao cho Ukraine nhiều tiêm kích F-16 của Mỹ theo từng giai đoạn, cùng với hai máy bay cảnh báo sớm của Thụy Điển để hỗ trợ công tác trinh sát và chỉ thị mục tiêu.

Theo một số giả thuyết, phi công Alexei Mès có thể đã mắc lỗi khi điều khiển trong lúc cố gắng bắn hạ một thiết bị bay không người lái cảm tử của Nga chứa đầy thuốc nổ từ cự ly gần. Giả thuyết khác được đưa ra bởi Nghị sĩ Ukraine Bezugla, cho rằng máy bay F-16 có thể đã bị bắn hạ bởi hỏa lực của hệ thống phòng không Ukraine do sự không đồng bộ trong hệ thống nhận diện mục tiêu. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, có khả năng F-16 đã bị phá hủy bởi một cuộc tấn công kết hợp của Nga khi nó còn đang trên mặt đất.

Mới đây trong cuộc tấn công ngày 26/9 của Nga nhằm vào sân bay Starokostiantyniv, bốn chiếc máy bay F-16 và một chiếc Su-24 của Ukraine vốn được nâng cấp để phóng các tên lửa Storm Shadow được cho là đã bị tên lửa Kinzhal phá hủy.

Sân bay quân sự Starokostiantyniv của Ukraine - nơi đang tập kết các máy bay chiến đấu F-16, được cho là đã bị tên lửa Kinzhal của Nga tấn công vào ngày 26/9.

Sân bay quân sự Starokostiantyniv của Ukraine - nơi đang tập kết các máy bay chiến đấu F-16, được cho là đã bị tên lửa Kinzhal của Nga tấn công vào ngày 26/9.

Theo thông tin từ một số nguồn tin quân sự, các mục tiêu bị tấn công tại sân bay Starokostiantyniv ngày 26/9 - một tháng sau khi chiếc F-16 đầu tiên của Ukraine bị rơi, bao gồm cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc lưu trữ tên lửa Storm Shadow của Anh và cũng là nơi Ukraine tập trung các chiến đấu cơ F-16. Ít nhất bốn máy bay F-16 đã bị phá hủy trong cuộc không kích này. Hai chiếc F-16 do Hà Lan cung cấp bị bắn hạ khi đang cố gắng cất cánh để sơ tán. Hai chiếc F-16 khác đang đỗ tại nơi trú ẩn cùng một chiếc Su-24 từng được nâng cấp để phóng tên lửa Storm Shadow cũng bị phá hủy.

Nhà báo Ukraine Anatoly Shariy đã viết trên kênh Telegram của mình rằng, theo một số nguồn tin, vụ tấn công bất ngờ của quân đội Nga ngày 26/9 đã phá hủy bốn chiếc máy bay phương Tây bằng tên lửa siêu thanh.

Kênh Telegram “Военное дело” cho biết: “Trên sân bay Starokonstantinov, hai tiêm kích F-16, do Hà Lan viện trợ, đã bị tấn công khi đang chuẩn bị cất cánh. Tại căn cứ này còn có các máy bay Su-24. Cuộc tấn công được thực hiện từ bốn chiếc MiG-31K của lực lượng hàng không vũ trụ Nga sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal”.

Theo một số nguồn tin quân sự, các tên lửa Kinzhal được phóng từ MiG-31K đã xuyên qua các boongke bê tông cốt thép mà Ukraine sử dụng để bảo vệ máy bay của NATO. Kênh Telegram Win/Win đưa tin rằng không chỉ có hai chiếc F-16 của Mỹ và một máy bay của Ukraine bị tiêu diệt, mà cả một kho tên lửa hành trình tầm xa của NATO cũng đã bị phá hủy. Đặc biệt, vụ tấn công còn khiến chín sĩ quan thiệt mạng.

“Tại Starokonstantinov, trong một boongke chứa các tên lửa Storm Shadow và SCALP, chín sĩ quan của Bộ chỉ huy Không quân NATO đã thiệt mạng. Họ đến từ căn cứ Ramstein qua Moldova để thực hiện các nhiệm vụ phối hợp và chỉ thị mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng tiêm kích của Ukraine. Trong số này, sáu người là công dân Mỹ gốc Ukraine và ba người là công dân Pháp”.

Kênh Win/Win đưa tin

Ukraine và các quốc gia NATO chưa xác nhận, chưa phủ nhận và cũng chưa có bình luận về vấn đề này.

F-16 từng là niềm tự hào của không quân Mỹ

Máy bay F-16 là loại tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ tư do Mỹ phát triển, nổi bật với khả năng cơ động cao, hệ thống radar hiện đại và khả năng tấn công đa dạng mục tiêu trên không và dưới đất. Đây là máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất sau Chiến tranh Lạnh với hơn 4.000 chiếc đã được xuất xưởng.

Máy bay chiến đấu F-16 là một trong những mẫu tiêm kích đa năng nổi tiếng nhất của Mỹ, được phát triển vào những năm 1970 và vẫn duy trì vai trò quan trọng trong không quân nhiều quốc gia.

Được trang bị động cơ phản lực mạnh mẽ, F-16 có khả năng bay với tốc độ tối đa khoảng 2.414 km/h, tương đương Mach 2. Máy bay này có tầm bay chiến đấu khoảng 1.370 km, có thể mở rộng thêm bằng cách sử dụng các bình nhiên liệu phụ.

F-16 được thiết kế với khả năng tấn công linh hoạt cả trên không và mặt đất.

F-16 được thiết kế với khả năng tấn công linh hoạt cả trên không và mặt đất.

F-16 được thiết kế với khả năng tấn công linh hoạt cả trên không và mặt đất. Nó có thể mang theo một loạt vũ khí bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất, và các loại bom dẫn đường chính xác. Hệ thống radar hiện đại trên F-16 cho phép máy bay phát hiện và theo dõi mục tiêu từ xa, trong khi khả năng cơ động cao giúp phi công dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ không chiến phức tạp.

Một đặc điểm nổi bật khác của F-16 là giá thành và chi phí vận hành tương đối thấp so với các mẫu tiêm kích hiện đại khác. Điều này giúp F-16 trở thành lựa chọn ưu tiên cho nhiều quốc gia như Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc... Không chỉ tham gia vào các nhiệm vụ phòng không, F-16 còn được sử dụng hiệu quả trong các chiến dịch tấn công mặt đất và hộ tống.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT CỦA F-16

Tốc độ tối đa: 2.414 km/h (Mach 2).

Tầm bay chiến đấu: 1.370 km (có thể mở rộng bằng bình nhiên liệu phụ).

Trọng lượng cất cánh tối đa: 19.200 kg.

Chiều dài: 15,06 m.

Sải cánh: 9,96 m.

Động cơ: Pratt & Whitney F100 hoặc General Electric F110, tạo lực đẩy từ 23.770 đến 29.000 pound.

Vũ khí: Tên lửa không đối không, không đối đất, bom dẫn đường chính xác, pháo 20 mm.

Hệ thống radar: AN/APG-68 hoặc các phiên bản nâng cấp, cho phép theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc.

Mỹ là quốc gia phát triển và sử dụng F-16 đầu tiên. Không quân Mỹ đã triển khai loại tiêm kích này trong nhiều cuộc xung đột như chiến tranh vùng Vịnh, chiến dịch tại Afghanistan và Iraq. Hiện nay, dù F-16 đã bị thay thế dần bởi F-35, Mỹ vẫn duy trì một số lượng lớn F-16 trong biên chế. Với tính linh hoạt trong tác chiến và kinh nghiệm thực chiến đã được thử lửa trên chiến trường, trong những thập kỷ gần đây, F-16 đã giúp lực lượng không quân Mỹ thực hiện nhiều chiến dịch quân sự quan trọng.

Chiến dịch Desert Storm (1991): Trong cuộc chiến Vùng Vịnh, F-16 đã thực hiện hàng nghìn phi vụ tấn công vào các mục tiêu quân sự của Iraq, bao gồm căn cứ không quân, cơ sở chỉ huy, và cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng. F-16 đã đóng vai trò chủ chốt trong việc phá hủy hệ thống phòng không của Iraq, mở đường cho các đợt tấn công trên không khác.

Chiến dịch Allied Force (1999): Trong cuộc xung đột ở Kosovo, F-16 của Không quân Mỹ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ tấn công chính xác, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của quân đội Nam Tư. Một trong những thành công đáng chú ý là việc F-16 bắn hạ một tiêm kích MiG-29 của Nam Tư, khẳng định ưu thế vượt trội của F-16 trong không chiến.

Chiến dịch Enduring Freedom (2001): Trong cuộc chiến Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9, F-16 đã tham gia nhiều phi vụ hỗ trợ trên không, tiêu diệt các mục tiêu của Taliban và Al-Qaeda. Các phi vụ này giúp không quân Mỹ duy trì ưu thế trên không và hỗ trợ bộ binh trong các cuộc hành quân quan trọng.

F-16 là một loại chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ, được sử dụng phổ biến trong không quân của 25 quốc gia bởi tính linh hoạt, cơ động, chi phí vận hành thấp và hiệu suất chiến đấu cao.

F-16 là một loại chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ, được sử dụng phổ biến trong không quân của 25 quốc gia bởi tính linh hoạt, cơ động, chi phí vận hành thấp và hiệu suất chiến đấu cao.

Tại châu Âu, F-16 được sử dụng rộng rãi bởi nhiều quốc gia thành viên NATO như Hà Lan, Na Uy, Bỉ và Đan Mạch. Những nước này đã sử dụng F-16 trong các nhiệm vụ của NATO, bao gồm chiến dịch tại Kosovo và Libya.

Bên cạnh đó, Israel cũng là một trong những quốc gia có lực lượng F-16 mạnh nhất ngoài Mỹ. F-16 của Israel đã tham gia vào nhiều cuộc chiến, bao gồm các chiến dịch không kích tại Syria và Dải Gaza, cũng như trong cuộc xung đột với các lực lượng Hezbollah. Các quốc gia như UAE và Bahrain cũng sử dụng F-16, chủ yếu trong các cuộc không kích tại Yemen trong cuộc xung đột chống lại phiến quân Houthi.

Gần đây, Ukraine đã nhận được F-16 từ Hà Lan và các nước phương Tây nhằm củng cố khả năng phòng không và đối phó với Nga.

F-16 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia, dù các thế hệ tiêm kích tiên tiến hơn như F-35 đang dần thay thế.

F-16 liệu có giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường?

Nếu thông tin về 5 chiếc F-16 bị phá hủy là chính xác, không quân Ukraine đã mất đi một lượng lớn tiêm kích F-16 chỉ trong vòng một tháng, trước khi chúng kịp tham chiến và gây thiệt hại đáng kể cho đối phương.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Zelensky đã rất nỗ lực để thuyết phục Mỹ cùng các quốc gia đối tác phương Tây viện trợ cho Kiev loại tiêm kích hiện đại F-16 để nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng không quân Ukraine. Thông tin về việc chuyển giao F-16 với số lượng hạn chế cho Ukraine mới chỉ xuất hiện trong tháng 8.

Trong một diễn biến khác, ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: “Để nâng cao khả năng tấn công tầm xa của Ukraine, tôi đã quyết định cung cấp cho Ukraine loại vũ khí tầm xa Joint Standoff Weapon (JSOW)”.

Mỹ đã phê duyệt việc chuyển giao bom lượn JSOW có khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa 130 km cho Ukraine theo gói viện trợ quân sự trị giá 7,9 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên Ukraine nhận được loại bom thông minh vốn chỉ dành trang bị cho không quân của một số quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, bom lượn JSOW trong gói viện trợ này sẽ được tích hợp vào các máy bay chiến đấu F-16 mà châu Âu đã chuyển giao cho Ukraine. Những máy bay này đã được hiện đại hóa theo chương trình MLU M5, cho phép sử dụng JSOW mà không cần thực hiện việc nâng cấp, cải tiến. Trước đó, F-16 do phương Tây viện trợ cho Ukraine chưa được trang bị các loại vũ khí tấn công hiện đại.

Bom lượn JSOW đang được lắp vào các tiêm kích F-16.

Bom lượn JSOW đang được lắp vào các tiêm kích F-16.

Vụ rơi máy bay F-16 đầu tiên tại Ukraine cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 26/8 cho thấy chất lượng đào tạo phi công Ukraine của Mỹ và phương Tây cũng đang có nhiều vấn đề. Vào cuối tháng 7/2024, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Romania thông tin rằng trong số 50 học viên phi công Ukraine tham gia chương trình đào tạo, chỉ có ba học viên có khả năng lái máy bay chiến đấu Mỹ một cách độc lập sau khi được huấn luyện.

Nếu thông tin này là đúng, kể cả trong trường hợp Ukraine nhận được hơn 100 máy bay F-16 như mong muốn thì Kiev cũng rất khó có thể sử dụng hiệu quả loại phương tiện quân sự tối tân này để giành ưu thế trong cuộc xung đột với Nga trên chiến trường. Ngay cả khi F-16 được trang bị bom lượn JSOW do Mỹ cung cấp thì bộ đôi vũ khí này cũng khó có thể đáp ứng được kỳ vọng thay đổi cục diện chiến trường như Mỹ và phương Tây kỳ vọng.

Trước đó, vào ngày 7/8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova cho biết máy bay chiến đấu F-16 sẽ không trở thành "thuốc chữa bách bệnh" đối với Ukraine, không có khả năng tác động đến diễn biến chiến sự, và “sẽ bị lực lượng vũ trang Nga tiêu diệt liên tục”.

Chất lượng đào tạo phi công Ukraine của Mỹ và phương Tây cũng đang có nhiều vấn đề.

Chất lượng đào tạo phi công Ukraine của Mỹ và phương Tây cũng đang có nhiều vấn đề.

Ngoài khả năng áp chế của lực lượng hàng không vũ trụ Nga, hệ thống phòng không, tên lửa tấn công và kỹ thuật tác chiến của Nga thì điều kiện hậu cần, các tổ hợp vũ khí khí tài hỗ trợ cũng như năng lực vận hành của quân đội Ukraine cũng đang khiến F-16 dễ dàng trở thành các mục tiêu bị tấn công.

Ngay sau khi Ukraine mất một phần lớn số F-16, Hà Lan đã quyết định loại bỏ hoàn toàn tiêm kích này khỏi biên chế và chuyển sang sử dụng F-35. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans xác nhận sẽ chuyển giao toàn bộ số F-16 còn lại cho Kiev trong thời gian sớm nhất để hiện đại hóa lực lượng không quân của mình.

“Hà Lan đã loại biên các tiêm kích F-16 cũ, và chúng sẽ có một ‘hành trình mới’ tại Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, ông Ruben Brekelmans nhấn mạnh.

Chắc chắn rằng, cả Ukraine và các quốc gia phương Tây đã nhận ra sức mạnh cũng như những hạn chế của F-16 với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Trong một diễn biến khác, Ukraine được cho là đang tiến hành đàm phán với Pháp để tiếp nhận một số tiêm kích Mirage 2000 và với Thụy Điển để nhận tiêm kích Gripen. Đặc biệt, tiêm kích Gripen có thể là mối đe dọa lớn đối với Nga, nhờ khả năng cất cánh từ các đường băng dã chiến mà không đòi hỏi nhiều công tác bảo trì. Như vậy, F-16, mặc dù sẽ được bổ sung cho Ukraine cùng với bom lượng JSOW nhưng loại tiêm kích này sẽ chưa đủ để Ukraine tạo ra những thay đổi đáng kể về cục diện chiến trường. Kiev vẫn cần những loại chiến đấu cơ khác của Mỹ và phương Tây - những vũ khí khí tài hiện đại và phù hợp với điều kiện chiến trường Ukraine.

“Các chiến binh của chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm chúng. Từng bước, chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc đưa tiêm kích Gripen lên bầu trời của chúng tôi”.

Tổng thống Zelensky tuyên bố.

Sự hiện diện của ngày càng nhiều tiêm kích NATO trên bầu trời Ukraine cũng như sự hạn chế trong năng lực vận hành các phương tiện, vũ khí khí tài hiện đại của Ukraine rất có thể dẫn đến việc các chuyên gia quân sự của NATO, bao gồm cả các phi công sẽ bị kéo tham gia sâu hơn vào các hoạt động quân sự của Ukraine, khiến tình hình xung đột leo thang trong thời gian tới.

Nếu bạn quan tâm tới thông tin về các loại vũ khí quân sự, hãy theo dõi thêm các bài viết phân tích chuyên sâu của Đài Hà Nội bằng cách bấm VÀO ĐÂY

Dương Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/chien-dau-co-f-16-dai-bang-gay-canh-tren-chien-truong-ukraine-269005.htm
Zalo