Chiêm ngưỡng 'kho' báo chí ở Thành Nam

Ở Thành Nam, nói đến ông Phi Dũng 'báo chí' thì hầu như ai cũng biết. Sau nhiều năm sưu tầm, lưu trữ các số báo cũ, đến nay, 'kho' báo chí của ông đã có số lượng khoảng 400 nghìn tờ, tổng trọng lượng lên đến hơn 20 tấn.

“Choáng” với bộ sưu tập khủng

Nói về đam mê sưu tầm báo chí của mình, ông Dũng cho biết, câu chuyện khởi nguồn từ cha ông là cụ Nguyễn Phi Hùng. Từ những năm 1970, cụ Hùng có sở thích đọc báo, sau đó đóng thành quyển. Thế nhưng thời gian sau đó, vì cuộc sống khó khăn, cụ Hùng phải bán những quyển báo đó đi lấy tiền trang trải cuộc sống. Năm 2016, khi đã khấm khá hơn, ông Dũng mới có điều kiện đi tìm mua lại những quyển báo mà cha mình đã bán đi trước đó. Nhưng chính ông cũng không ngờ, khi bước vào con đường sưu tập báo chí, niềm đam mê đến từ khi nào không biết.

“Khi bập vào việc này, mình như bị “nghiện”. Một hai ngày mà không mua được thứ gì là cảm thấy bứt rứt khó chịu, rồi nhìn thấy tờ báo mà không kịp mua, để người khác mua mất thì cứ tiếc mãi” - ông Nguyễn Phi Dũng kể.

 Ông Nguyễn Phi Dũng trong "kho báo chí" khổng lồ của ông, trên tay là tập ấn phẩm Báo Nhà báo & Công luận.

Ông Nguyễn Phi Dũng trong "kho báo chí" khổng lồ của ông, trên tay là tập ấn phẩm Báo Nhà báo & Công luận.

Đáng nói là ngoài số lượng hơn 20 tấn và trên 500 đầu báo, trong “kho” báo của ông Dũng có nhiều tờ rất quý như “Gia Định báo” (tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ), “Phụ nữ Tân văn”, những tạp chí văn hóa, văn học nổi tiếng một thời là “Phong Hóa”, “Nam Phong”... Trong bộ sưu tập của ông còn có nhiều tờ báo có tuổi đời tới hơn 1 thế kỷ.

“Ở đây tờ báo “sâu tuổi” nhất phát hành từ năm 1886, đó là tờ “Tin tức Hải Phòng” bằng tiếng Pháp. Tôi cũng giữ một tờ “Gia Định báo” phát hành năm 1896. Chất liệu giấy báo chịu tác động rất nhiều của môi trường, mối mọt… nên giữ được một tờ báo hơn 100 năm là rất quý” - ông Dũng nói.

Đặc biệt, ông còn có trong tay tờ báo “Cờ Giải phóng” số 1 ra ngày 10/10/1942. Báo “Cờ Giải phóng” chỉ ra tới số 33 là dừng lại. Ngay cả Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng chỉ có 32 số báo Cờ Giải phóng, số báo phát hành đầu tiên vẫn còn thiếu. Để mua được số báo quý giá này, ông Dũng phải bỏ ra số tiền lên tới 50 triệu đồng.

 Trang nhất tờ "Cờ giải phóng" số 1, phát hành năm 1942 mà ông Dũng sưu tầm được.

Trang nhất tờ "Cờ giải phóng" số 1, phát hành năm 1942 mà ông Dũng sưu tầm được.

Ông Dũng tự hào cho biết, có lẽ ông là người sở hữu “kho” báo chí số lượng nhiều nhất ở Việt Nam. Ông có quen biết một số người cũng sưu tầm báo chí, nhưng họ thường “chơi” theo chuyên đề, như báo Xuân, báo Tết hoặc sưu tầm báo số đầu tiên... Đa số họ ít có điều kiện mặt bằng rộng để lưu giữ, bảo quản nên số lượng thường không phải là thế mạnh. Riêng cá nhân ông hiện vẫn tiếp tục sưu tầm, “làm dày” lên số lượng hiện vật báo chí, đặc biệt là đam mê với những tờ báo “sâu tuổi” đã phát hành cách nay lên tới vài chục đến cả trăm năm.

Mỗi bài báo, một câu chuyện ý nghĩa

Sở hữu kho tư liệu quý, ông Dũng biết nhiều chuyện thú vị, “hay ho” đã từng xảy ra mà không nhiều người tỏ tường hoặc không còn nhiều người nhớ. Ông khoe, trong sưu tập của ông, ngoài báo chí, còn có gần 500 cuốn sách nói về Bác Hồ. Năm 2023, tham gia Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”, ông Dũng đã giành giải Ba nhờ khai thác nguồn tư liệu, báo chí này.

“Trong cuộc đời hoạt động, Bác Hồ về Nam Định 5 lần. Tìm hiểu, tôi biết được ngoài lần thứ nhất các báo không đưa tin thì 4 lần còn lại đều có phản ánh trên báo chí. Nhưng khi tỉnh phát động cuộc thi, tìm lại báo cũ, tôi mới thấy mình sưu tập được có 3 lần. Việc thiếu đi số báo phản ánh về sự kiện quan trọng này khiến tôi trăn trở lắm. Vậy là suốt cả tháng đăng tin lên mạng, rồi qua nhiều kênh khác, tôi phải chấp nhận đổi một tờ báo năm 1946 lấy một tờ báo có đăng về sự kiện Bác Hồ về thăm Nam Định năm 1958” - ông Dũng chia sẻ.

 Ông Dũng cùng bà Vũ Thị Bích Liên - nhân vật trong bức ảnh đăng trên Báo Nhân Dân cách đây 54 năm.

Ông Dũng cùng bà Vũ Thị Bích Liên - nhân vật trong bức ảnh đăng trên Báo Nhân Dân cách đây 54 năm.

Hay một câu chuyện thú vị khác: Trong một lần đọc tờ Báo Nhân Dân phát hành ngày 11/11/1970, ông Dũng thấy có đăng bức ảnh của tác giả Ngọc Quán chụp 4 công nhân trẻ của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định là Vũ Thị Lưu, Trần Thị Nga, Vũ Thị Bích Liên và Trần Thị Thanh.

Đây là “những con thoi nhanh nhất” của nhà máy dệt Nam Định thời bấy giờ với năng suất làm việc rất cao. Ông chợt nảy ra ý định tìm xem những người trong ảnh bây giờ ra sao, bèn đăng lên Facebook tìm người trong ảnh. Nhờ cộng đồng mạng, ông Dũng đã tìm được bà Vũ Thị Bích Liên, hiện vẫn sinh sống tại TP. Nam Định. Đem tờ báo cũ đến tặng, bà Liên ngay lập tức nhận ra mình là người trong ảnh, mặc dù khi đó bà đã 81 tuổi. Hiện nay, tờ báo cũ đăng tấm ảnh này luôn được bà Liên dành một vị trí trang trọng trong nhà để trưng bày.

“Tôi cũng nhận được nhiều lời đề nghị tìm những tờ báo cũ có đăng những sự kiện liên quan đến người thân của họ. Chẳng hạn gia đình Đại tướng Trần Đại Quang muốn tìm tờ báo có đăng tấm hình Đại tướng chụp cùng đồng chí Lê Duẩn năm 1983. Ngay lúc nhận được đề nghị tôi chưa có tờ báo này nhưng nay đã tìm được rồi. Tôi cũng nhận được đề nghị của một vị lãnh đạo Quốc hội Lào, tìm tờ báo có đăng sự kiện cha của ông ấy, hồi năm 1962 có sang Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Mất hàng năm trời, may mắn cuối cùng tôi đã tìm được. Những việc đó tuy nhỏ thôi nhưng ý nghĩa đối với gia đình, người thân nhân vật thì không hề nhỏ” - ông Dũng hào hứng kể.

Ước mơ một bảo tàng báo chí tư nhân

Hiện nay, để bảo quản số lượng báo chí khổng lồ, ông Dũng dành riêng một căn phòng lưu giữ hiện vật, lắp đặt máy điều hòa, thiết bị hút ẩm, thường xuyên duy trì nhiệt độ phòng khoảng 22 độ C. Với những tờ báo đặc biệt, quý hiếm, ông bảo quản bằng cách cho từng tờ vào bao nilon kín, rồi đặt trong tủ kính hoặc thùng nhựa. Theo ông Dũng, việc bảo quản như vậy cũng tạm yên tâm, tuy nhiên, về lâu dài, ông vẫn mong muốn được sự giúp đỡ từ các trung tâm lưu trữ, các bảo tàng Nhà nước để ông có thể sớm ra mắt một bảo tàng báo chí tư nhân.

“Tôi chỉ là một nhà sưu tầm tư nhân, nguồn lực hạn hẹp, trình độ chuyên môn về bảo tồn, bảo tàng còn thiếu hụt, việc áp dụng công nghệ còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng có thuận lợi là sẵn có ngôi nhà 5 tầng mặt sàn 350 m2 - điều mà một số trung tâm lưu trữ chưa chắc có điều kiện tốt như vậy. Thứ quan trọng nhất là nguồn hiện vật mình cũng đã có rồi.

Tôi xác định đây là việc rất lớn vì để đi vào vận hành bảo tàng cần được tính toán, cần kinh phí để nuôi nó... Nhưng dù sao tôi cũng sẽ quyết tâm làm. Trong phạm vi cho phép của mình, sức đến đâu, làm đến đó… Lộ trình nếu không có gì thay đổi, bảo tàng sẽ kịp ra mắt vào dịp 21/6/2025, kỷ niệm 100 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” - ông Dũng quả quyết.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chiem-nguong-kho-bao-chi-o-thanh-nam-post300115.html
Zalo