Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Linga vàng nặng hơn 78,3g
Hiện vật Linga vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vào năm 2013. Hiện vật này bằng vàng, nặng hơn 78,3g.
Sáng 2-10, tại di tích tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng của tỉnh Bình Thuận.
Lễ công bố nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng; nâng cao nhận thức và hành động trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Tại buổi lễ, lần đầu tiên bảo vật quốc gia Linga vàng đã được giới thiệu để công chúng thưởng lãm.
Bảo vật Linga vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam của người Chăm (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vào năm 2013.
Qua giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là chiếc Linga bằng vàng ròng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII – cùng niên đại xây dựng nhóm tháp Pô Dam.
Hiện vật Linga có chiều cao 6,4cm, rộng giữa 5,7cm, đường kính ngoài 5,7cm, chu vi 17cm và có khối lượng 78,3630g. So với những Linga bằng vàng phát hiện trong di tích Chămpa hay văn hóa Óc Eo thì Linga bằng vàng ở Pô Dam có kích thước, khối lượng và hàm lượng vàng lớn hơn nhiều lần. Giá trị lớn nhất của Linga vàng nằm ở cấu trúc độc đáo, xuất xứ, niên đại, tính hiếm và nghệ thuật chế tác thủ công.
Cùng ngày, cũng tại di tích tháp Pô Sah Inư đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận.
Tại buổi lễ, các chức sắc và đồng bào Chăm huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) di chuyển về di tích tháp Pô Sah Inư. Sau đó, mọi người tham gia vào nghi lễ cúng cầu an, múa mừng, thỉnh mời thần linh tại tháp chính do chức sắc tôn giáo người Chăm thực hiện.
Lễ hội cũng diễn ra nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga - Yoni và đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên.
Lễ hội Katê của đồng bào người Chăm với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp giới thiệu hình ảnh văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận đến với du khách trong và ngoài nước.