Chiếc gương và cây ngô đồng
Bà hàng xóm của tôi năm nay ngoài bảy mươi. Ăn vẫn khỏe nhưng đầu óc thì đã lẫn. Mà bà cụ vẫn còn ham chuyện lắm. Nhưng con cháu bà ai việc người nấy nên chẳng ai có thời gian trò chuyện với bà. Mà nếu có, chắc cũng không ai đủ kiên nhẫn để chịu đựng cái sự lẩn thẩn của bà. Ông con cả của bà mới nảy ra một kế. Anh ta lắp cho bà một chiếc gương to ngay cạnh giường - cái thế giới của bà. Thế là cả ngày bà ngồi trò chuyện với cái “bà hàng xóm” trong gương. Có hôm bà lẩm bẩm “Cái bà ni, ngồi chi mà ngồi dai, không chịu về cho người ta ăn cơm”. Có hôm bà nèo nỉ “Hay bữa ni bà ở lại ăn cơm với tui?”. Thật là cười ra nước mắt.
Tôi ở miền Nam. Năm thì mười họa mới có dịp về Bắc thăm mẹ. Tết năm nay cũng đành chịu lỗi với mẹ thôi. Lại chỉ có thể về với mẹ trong tâm tưởng. Mà đâu mỗi Tết này. Ngẫm lại, từ lúc đi đại học tới giờ, tôi chẳng có mấy khi gần gũi để chăm sóc mẹ. Ngày tôi đi nhận việc ở nơi xa, thầy tôi đứng bên phải cây ngô đồng trước ngõ, mẹ đứng bên trái, tiễn tôi đi trong đầm đìa nước mắt. Bảy năm sau trở về, mẹ đứng đón tôi, vẫn bên trái cây ngô đồng nay đã cao vụt lên, nhưng bên phải không còn cái dáng người mỏng lét của thầy tôi. Một lư hương trên bàn thờ đang thẫn thờ loang khói. Và đôi mắt thầy tôi âm thầm sau làn khói mỏng, như mong ngóng xa xăm…
Rồi tôi đi làm xa và lấy chồng xứ người. Nhớ thương mẹ đấy, nhưng có bao nhiêu là lý do ngáng con đường dẫn về ngôi nhà bé nhỏ của mẹ. Lúc thì công việc không thu xếp được, lúc thì kẹt tiền, lúc thì con ốm, lúc chồng đi công tác vắng... Và mẹ thì cứ lặng lẽ cùng cây ngô đồng chờ đợi, chờ đợi...
Mỗi tháng một cuộc điện thoại hỏi thăm. Vài trăm bạc gửi về cho mẹ. Tết này qua, Tết khác đến. Mẹ vẫn cứ là một nỗi nhớ khiêm nhường dường như khuất lấp sau những bộn bề cuộc sống của tôi. Và dường như, mọi thứ đều ổn cả.
Cho đến hôm nay, tình cờ nghe câu chuyện về chiếc gương của bà cụ hàng xóm, bỗng thấy lòng dạ cuống cuồng lên một nỗi lo âu thảng thốt. Cái trật tự cuộc sống chật chội của tôi bỗng lả tả rơi từng mảng. Trơ ra một khoảng trống huơ trống hoác, và hiện lên trong đó hình dáng mẹ tôi - tóc trắng lơ thơ, ngồi dựa vào gốc cây ngô đồng, trò chuyện với cây ngô đồng.
Ôi, phải về với mẹ! Phải về trước ngày mà mẹ có thể than: “Răng cây ngô đồng đứng chơi mãi mà chẳng chịu về”...