Chiếc cà ràng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Sâu trong ấp Phnom-Pi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), vẫn còn những phụ nữ khéo tay kiên trì với nghề làm cà ràng, dù giữa nhịp sống hiện đại, chúng đã bị 'lép vế' trước bếp điện, bếp gas…

Những chiếc lò đất, theo tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer được gọi là “cà ràng”. Chúng hiện hữu quen thuộc ở một góc bếp, gợi nhớ hình ảnh thân thương của các bà, các mè tần tảo lo cơm nước cho cả gia đình.

Đến đây hỏi tên bà Neang Sa Na, bà Neang Soc Nat là các nghệ nhân làm cà ràng thâm niên 30, 40 năm thì ai cũng biết. Không chỉ bởi các bà là thợ giỏi tay nghề, mà trong ấp còn rất ít người gắn bó với công việc này.

Đất làm cà ràng là loại đất lấy từ trên núi, có độ dẻo và mịn, được lọc bỏ sỏi đá và giã mịn trước khi nắn thành bếp.

Sức tiêu thụ của thị trường ngày càng ít, các bà vẫn miệt mài với nghề, mong muốn giữ lại nét truyền thống của đồng bào. Cà ràng hiện nay được một số nơi trong và ngoài huyện mua sử dụng, nhất là các điểm phục vụ du lịch.

Họ còn làm cả những chiếc lẻ hoặc cả bộ cà ràng kèm nồi phiên bản mi-ni để bán cho du khách. Mẫu càng nhỏ thì làm càng khó, do vậy giá thành khá cao, gần bằng với một chiếc cà ràng cỡ lớn.

Các nghệ nhân còn được mời làm cà ràng trực tiếp cho khách du lịch, các đoàn học sinh tìm hiểu về nghề truyền thống ở địa phương. Ngoài chiếc cà ràng, họ còn trổ tài làm các sản phẩm khác bằng đất, thu nhỏ giá trị văn hóa của đồng bào thành món quà lưu niệm độc đáo và ý nghĩa.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chiec-ca-rang-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-khmer-a411360.html
Zalo