Chiếc bánh làng Chăm
Không cầu kỳ, hoa mĩ nhưng những chiếc bánh truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tại An Giang vẫn phảng phất chút gì đó rất riêng, mà bất cứ ai một lần nếm thử đều cảm thấy khó quên. Trong từng chiếc bánh, ngoài hương vị thơm ngon, còn chứa đựng sự khéo léo của người phụ nữ Chăm.
Hương vị truyền thống
Gian nhà sàn đơn sơ của bà Sa Y Dah tại làng Chăm xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) trong buổi trưa yên ả bỗng vui vẻ hẳn lên, khi có khách ghé thăm. Đã rất lâu rồi, mới có người đến hỏi thăm bà về nghề làm bánh truyền thống của người Chăm. Từ ngày còn là thiếu nữ, bà Sa Y Dah đã được các bà, các chị trong làng Chăm xã Khánh Hòa truyền lại kỹ thuật làm bánh và nó trở thành nghề nghiệp theo người phụ nữ này qua bao năm tháng của cuộc đời.
“Hồi đó, con gái Chăm vào độ tuổi đôi mươi thì mỗi dịp trong làng có đám cưới sẽ đến nhà cô dâu, chú rễ phụ giúp. Công việc chủ yếu là nấu nướng và làm bánh. Thời đó vui lắm, chị em cùng lứa ngồi nói chuyện vui vẻ, trao đổi mọi thứ về cuộc sống gia đình. Thích nhất là được các bà, các mẹ dạy cho kỹ thuật làm bánh truyền thống để sau này làm cho con cháu ăn. Tính ra, tôi cũng may mắn vì được dạy làm nhiều thứ bánh của người Chăm và gắn bó với nó cho tới khi tóc bạc” - bà Sa Y Dah nhớ lại.
Trong đôi mắt thẳm sâu của người phụ nữ ngoài 60 tuổi, ký ức về những ngày trẻ trung, cùng với chị em trong làng say sưa làm bánh cứ hiện về qua những mẩu chuyện đơn sơ. Thời bà còn trẻ, hầu như tất cả phụ nữ Chăm đều giỏi giang chuyện bếp núc, làm bánh, chăm sóc gia đình. Với họ, đó là thước đo về phẩm hạnh của người phụ nữ.
“Trong đám tiệc hoặc dịp lễ, Tết truyền thống của người Chăm, những chiếc bánh thơm ngon là món quà quý mà chủ nhà tiếp đãi khách. Mọi người dùng tiệc xong, tráng miệng bằng vài chiếc bánh ngon thể hiện được sự trân trọng của chủ nhà. Họ ăn bánh, uống nước, nói những câu chuyện vui khiến cho không khí đám tiệc càng thêm hào hứng. Hồi trước, hầu như nhà nào cũng làm bánh trong dịp trọng đại, nhưng hiện nay chỉ có những người lớn tuổi, hoặc sống với nghề làm bánh như tôi mới nhớ hết cách làm các loại bánh truyền thống của người Chăm. Đa số họ đến nhà tôi đặt bánh khi trong nhà có đám tiệc hoặc dịp lễ, Tết truyền thống của người Chăm” - bà Sa Y Dah chia sẻ.
Giữ gìn và phát triển
Bánh truyền thống của người Chăm nhìn đơn giản, nhưng chế biến khá kỳ công. Từ khâu làm bột gạo đến việc thắng hỗn hợp lòng đỏ trứng gà, đường thốt nốt, nước cốt dừa đến một độ kẹo nhất định, để cho ra những chiếc bánh thơm ngon đòi hỏi kỹ thuật và sự thuần thục. Do đó, không nhiều thiếu nữ Chăm thời nay biết làm các loại bánh này. Một phần do sự phát triển của xã hội, một phần vì thanh niên người Chăm hiện nay chỉ chú tâm đến chuyện học tập, tìm việc làm và bước ra cuộc sống hiện đại, nên chiếc bánh truyền thống chỉ còn tồn tại trong gian bếp của một số gia đình.
Lớn lên ở làng quê hiền hòa, Rohimah là một trong số ít phụ nữ Chăm thuộc thế hệ “8X” gắn bó với chiếc bánh truyền thống của dân tộc mình. Góp mặt tại Ngày hội bánh dân gian thị trấn Cái Dầu mừng Xuân Quý Mão 2023, Rohimah đã giới thiệu đến du khách về những chiếc bánh làng Chăm độc đáo từ hình thức đến hương vị, do bà Sa Y Dah chế biến.
“Trước đây, đa số người Kinh không biết nhiều đến bánh truyền thống của người Chăm. Do đó, tôi muốn mang những chiếc bánh độc đáo của dân tộc mình đến giới thiệu tại ngày hội, để mọi người biết đến một phần ẩm thực truyền thống của dân tộc Chăm. Có đến hàng chục loại bánh được phụ nữ Chăm chế biến từ những nguyên liệu giản đơn, nhưng hương vị rất thơm ngon, mang tính khác biệt so với nhiều loại bánh khác” - Rohimah chia sẻ.
Theo lời Rohimah, bánh truyền thống của người Chăm có thể chia làm 2 loại, bánh ngọt, như: Bánh paykarah, bánh kalink, bánh ti-âm, bánh kagam, bánh nằm parăn, bánh saykaya, bánh nằm ken. Riêng bánh hapak là tiêu biểu cho các loại bánh mặn… Dù phong phú nhưng các loại bánh này chỉ tồn tại trong cộng đồng Chăm nên ít người biết đến. Do đó, Rohimah mong muốn giới thiệu các loại bánh này đến với du khách khắp nơi, thông qua các lễ hội bánh, các sự kiện, hội chợ… để quảng bá, giới thiệu nét đẹp ẩm thực truyền thống của dân tộc mình.
“Tại Ngày hội bánh dân gian thị trấn Cái Dầu, khách tham quan rất thích các loại bánh của người Chăm. Số lượng bánh tôi mang xuống sự kiện được bán hết trong buổi sáng đầu tiên của ngày hội, nên phải chuẩn bị thêm bánh hapak để phục vụ. Đa phần khách đến ăn thử đều khen ngon. Họ ủng hộ gian hàng bánh của xã Khánh Hòa rất nhiệt tình nên tôi vô cùng phấn khởi” - Rohimah thật tình.
Dù là sản phẩm truyền thống nhưng bánh dân gian của người Chăm đối mặt với nguy cơ “thất truyền”, bởi rất ít người nắm được kỹ thuật chế biến. Do đó, rất cần sự quan tâm của ngành chuyên môn trong việc giữ gìn kỹ thuật làm bánh, cũng như quảng bá và đưa chiếc bánh làng Chăm trở thành một phần của hoạt động du lịch, nhằm phát huy giá trị ẩm thực phong phú của tỉnh An Giang.