Chia sẻ với người mất việc
Nhiều ý kiến cho rằng khoản trợ cấp tăng thêm của DN dành cho lao động mất việc phải được miễn thuế.
Mới đây, do ít đơn hàng, một DN ở quận Bình Tân (TP HCM) chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân. Theo quy định pháp luật, khi chấm dứt hợp đồng, DN phải trả cho người lao động (NLĐ) thời gian làm việc từ năm 2009 trở về trước, với mỗi năm nửa tháng lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ. Tuy nhiên tại DN này, người lao động được trả mức cao hơn. Công nhân bị cắt giảm được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, mức cao nhất nhận 379 triệu đồng, thấp nhất 12 triệu đồng. Và với khoản hỗ trợ cao hơn so với quy định pháp luật, công nhân bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc như trên. Năm 2020, một DN tại Đồng Nai cũng hỗ trợ hơn 1.500 công nhân nghỉ việc, với mỗi năm làm là 1 tháng lương, tối đa 22 tháng. Sau đó lao động bị mất việc phải đóng thuế thu nhập 10% số tiền hỗ trợ. Nhiều công nhân nhận 200-300 triệu đồng, bị trừ vài chục triệu nên rất tiếc, dù đã được giải thích đây là quy định pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng khoản trợ cấp tăng thêm của DN dành cho lao động mất việc phải được miễn thuế. Bởi chỉ xét về lý, theo quy định, mức hưởng trợ cấp thôi việc của NLĐ với mỗi năm làm việc nửa tháng lương. Nhưng có thể hiểu đây là mức tối thiểu DN phải chi trả, còn người sử dụng lao động trả cao hơn thì cần luôn khuyến khích và số tiền này vẫn là "trợ cấp thôi việc", theo quy định không phải chịu thuế?
Về tình, không nên xem khoản hỗ trợ của DN cho lao động là nguồn thu đột biến để đánh thuế hay tạm khấu trừ. Bởi NLĐ nhận được tiền trong hoàn cảnh cực chẳng đã, là mất việc. Mức hỗ trợ tăng thêm cho người mất việc là chính sách nhân văn của DN, giúp công nhân trang trải cuộc sống, tìm việc mới. Nhà nước cần khuyến khích chính sách tương tự như trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Một chuyên gia cho hay khoản thu 10% như trên tồn tại từ lâu, các bên liên quan nhiều lần nêu ý kiến, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Do đó, tổ chức đại diện NLĐ là Tổng Liên đoàn Lao động, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ LĐTB&XH, Tài chính cần phải nhìn nhận đúng bản chất để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi theo hướng nên miễn.
Tại hội nghị về KTXH TP HCM mới đây, lãnh đạo UBND TP đã đề nghị Cục Thuế TP thông tin rõ vấn đề thu thuế với khoản tiền hỗ trợ mất việc đối với công nhân mất việc. Sau khi đánh giá tổng thể, TP sẽ kiến nghị không thu nếu thấy cần thiết. Quan điểm của TP HCM là hợp lý. Xem xét miễn, giảm thuế với khoản hỗ trợ của DN dành cho NLĐ mất việc chính là thể hiện sự chia sẻ của nhà nước trong lúc khó khăn.