Chia sẻ 'kinh nghiệm' tù tội, 'mỹ nhân đào tẩu' Trung Quốc bị cấm sóng livestream

Qing Chenjingliang, 26 tuổi, đến từ thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, từng bị kết án tù vì tham gia đường dây lừa đảo trị giá hơn 1,4 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 4,9 tỷ đồng). Sau khi mãn hạn tù, cô khẳng định đã 'quay đầu hoàn lương' và mong muốn truyền cảm hứng tích cực đến cộng đồng.

Từ học sinh bị đuổi học đến tội phạm bị truy nã

Thời niên thiếu, Qing từng bị buộc thôi học trung học vì kết quả học tập kém. Sau đó, cô bị bạn trai dẫn dắt vào một băng nhóm lừa đảo gồm 10 người, chuyên giả làm nhân viên quán bar tiếp cận nạn nhân qua mạng với danh nghĩa tình cảm hoặc tình bạn. Nhóm này dụ dỗ người bị hại tiêu tiền tại quán rồi dùng đe dọa, thậm chí bạo lực nếu họ không chịu trả tiền.

Tháng 11/2018, cảnh sát phát lệnh truy nã đối với Qing và các đồng phạm. Gương mặt xinh đẹp nổi bật của cô nhanh chóng gây chú ý, khiến truyền thông gọi cô là “mỹ nhân đào tẩu đẹp nhất Trung Quốc”. Sau một thời gian lẩn trốn, Qing ra đầu thú và bị tuyên án một năm hai tháng tù vì tội lừa đảo.

Ảnh truy nã của Qing Chenjingliang khi cô còn là tội phạm bị truy nã từng gây xôn xao khắp Trung Quốc. (Ảnh: SCMP/handout)

Ảnh truy nã của Qing Chenjingliang khi cô còn là tội phạm bị truy nã từng gây xôn xao khắp Trung Quốc. (Ảnh: SCMP/handout)

Sau khi được thả vào tháng 11/2021, Qing mở quán trà sữa tại quê nhà và tham gia một video tuyên truyền chống lừa đảo do cảnh sát địa phương thực hiện. Sự xuất hiện của cô trong video này gây tranh cãi mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng việc để một cựu tội phạm làm hình mẫu tuyên truyền dễ tạo ra thông điệp sai lệch rằng “ngoại hình đẹp là công lý”.

Tháng 3 năm nay, Qing lập tài khoản mạng xã hội dưới tên thật, sử dụng ảnh truy nã năm 2018 làm ảnh đại diện và thu hút gần 10.000 người theo dõi chỉ trong thời gian ngắn. Cô livestream đều đặn mỗi ngày, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống lừa đảo, trả lời câu hỏi của khán giả, thậm chí kêu gọi người xem gửi tặng quà ảo nếu muốn nghe kể thêm về thời gian ở tù.

“Đừng tin vào những điều quá dễ dàng,” cô cảnh báo trong một video cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo tại quán bar. Cô cũng nhấn mạnh đã chấp hành đủ bản án và không được giảm án vì việc này “rất khó đạt được”.

Tuy nhiên, ngày 27/4, tài khoản của Qing bị nền tảng mạng xã hội khóa, tất cả video bị xóa, tên tài khoản trở nên không thể tìm kiếm. Nền tảng sau đó cho biết họ không cho phép sử dụng lịch sử phạm tội hay thời gian trong tù để thu hút sự chú ý hay kiếm lời.

Sau khi ra tù, Qing khẳng định mình đã hoàn lương và mong muốn giúp mọi người tránh bị lừa đảo. (Ảnh: SCMP/handout)

Sau khi ra tù, Qing khẳng định mình đã hoàn lương và mong muốn giúp mọi người tránh bị lừa đảo. (Ảnh: SCMP/handout)

Cư dân mạng tranh cãi gay gắt

Vụ việc đã tạo ra làn sóng tranh luận dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hơn 54 triệu lượt tương tác. Một số người bày tỏ sự cảm thông: “Cô ấy đã trả giá và có quyền làm lại từ đầu. Người lầm đường quay lại vẫn đáng quý hơn vàng.” Tuy nhiên, số khác phản đối: “Cô ta đang lấy danh xưng ‘mỹ nhân đào tẩu’ để tô vẽ bản thân, đây là tư duy lệch lạc.”

Nhiều ý kiến cho rằng người từng phạm tội vẫn có thể tái hòa nhập cộng đồng, nhưng cần thể hiện sự khiêm nhường và tôn trọng pháp luật thay vì dùng quá khứ làm công cụ gây chú ý.

Hiện tại, Qing chưa lên tiếng sau lệnh cấm, trong khi dư luận vẫn tiếp tục chia rẽ về ranh giới giữa hoàn lương thực sự và việc khai thác quá khứ để kiếm lợi trên mạng.

Ngọc Bảo (Theo SCMP)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/chia-se-kinh-nghiem-tu-toi-my-nhan-dao-tau-trung-quoc-bi-cam-song-livestream-15347.html
Zalo