Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, phòng chống bóc lột, mua bán trẻ em

Hiện tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm xâm hại về tình dục trẻ em, mua bán trẻ em xảy ra ngày càng tăng nhưng các số liệu báo cáo, đánh giá chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế.

Trẻ nhỏ tham gia sân chơi tìm hiểu Công ước về quyền trẻ em. Ảnh tư liệu - minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Trẻ nhỏ tham gia sân chơi tìm hiểu Công ước về quyền trẻ em. Ảnh tư liệu - minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tái diễn nhiều lần với nhiều nạn nhân nhưng thời gian rất lâu sau đó mới được phát hiện hoặc chưa được phát hiện gây bức xúc trong dư luận làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý, hạnh phúc của trẻ em. Đây là thực trạng chung tại nhiều địa phương được các đại biểu phản ánh tại tọa đàm bàn tròn “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phòng chống bóc lột, mua bán trẻ em” do Trung tâm Nâng cao năng lực, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em (CSWC) phối hợp với Tổ chức Planete Enfants & Developpement (PE&D) tổ chức ngày 23/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để khắc phục tình trạng này, Luật sư Trần Thị Hồng Việt đề xuất các giải pháp hỗ trợ, can thiệp ngay từ ban đầu như: Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn, tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập một môi trường sống an toàn cho trẻ có nguy cơ bị xâm hại.

Đối với cơ quan chức năng, Luật sư Trần Thị Hồng Việt lưu ý quá trình tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ được tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn khác nhằm giúp cải thiện điều kiện cuộc sống; triển khai nhanh các chế độ hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề…

Từ thực tiễn, Trung tá Nguyễn Bảo Khâm, Cán bộ Đội Điều tra, phòng ngừa tội phạm về tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền cho trẻ em và phụ huynh có ý thức, kỹ năng tiếp cận, sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng, lành mạnh; không dễ dãi kết bạn, làm quen, nhận lời mời, nhận quà tặng từ những người mới quen biết trên không gian mạng. Đặc biệt, người dân cần thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin nghi ngờ trên không gian mạng, tham vấn chia sẻ với mọi người, với chuyên gia để không sa vào cạm bẫy, lừa gạt hoặc sự dụ dỗ của đối tượng trên không gian mạng.

Lực lượng Công an cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội khác có liên quan và nhân dân trong việc phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh các hành vi liên quan đến việc xâm hại tình dục trẻ em; có cơ chế bảo vệ nạn nhân cũng như người tố cáo để họ mạnh dạn khai báo, tố cáo tội phạm.

Các đơn vị nghiệp vụ của Công an thường xuyên phối hợp kiểm soát và kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng, băng nhóm lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội và xâm hại trẻ em; thiết lập các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm để không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không để nạn nhân bị tái tổn thương…

Trung tá Nguyễn Bảo Khâm khuyến nghị các bậc cha mẹ cần quan tâm để ý, quản lý con cái, không để các em ở một mình với người không tin tưởng; dạy các em biết các hành vi xâm hại và biện pháp phản ứng; kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường về tâm lý và trên thân thể của con trẻ. Phụ huynh cần quản lý thời gian đi lại của trẻ, giáo dục tác hại về quan hệ tình dục sớm, tránh ngăn cấm một cách cực đoan. Khi các cháu bị xâm hại phải kịp thời báo ngay cơ quan Công an và giữ lại quần áo các cháu mặc khi bị xâm hại tránh vứt bỏ hoặc tiêu hủy…

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường đào tạo lại, bổ sung cán bộ chuyên trách trẻ em tại cơ sở; xây dựng cơ sở dữ liệu trẻ em thành phố trên nền tảng số – tích hợp từ nhiều nguồn; đồng thời, thiết lập mô hình phối hợp liên ngành cấp thành phố với cơ chế phản hồi nhanh từ phường, xã; áp dụng công nghệ giám sát và báo cáo tự động, thay cho một số chức năng giám sát trung gian…

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua mạng xã hội; các loại tội phạm bóc lột lao động, mua bán trẻ em trong thời gian gần đây…; đồng thời đưa ra những khuyến cáo, khuyến nghị cho gia đình, cộng đồng và xã hội nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ và phòng chống bóc lột, mua bán trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/chia-se-kinh-nghiem-trong-cong-tac-bao-ve-phong-chong-boc-lot-mua-ban-tre-em-20250523164443762.htm
Zalo