Chia sẻ kết quả thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi'

Ngày 18/12, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức 'Hội thảo chia sẻ kết quả thúc đẩy bình đẳng giới - Đề xuất giải pháp lồng ghép giới hiệu quả, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi'(gọi tắt là Dự án 8). Hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Cẩm Linh

Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Cẩm Linh

Các báo cáo và tham luận tại hội nghị cho thấy tại các địa phương, hầu hết các tỉnh thành lập Ban điều hành Dự án 8 cấp tỉnh. 100% Hội LHPN các cấp tỉnh đều phân công 1 đồng chí lãnh đạo Hội phụ trách và 1 ban đầu mối tham mưu tổng thể công tác chỉ đạo thực hiện, phân công nhiệm vụ cho các ban liên quan tham gia thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Dự án. Chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch định hướng nhiệm vụ giai đoạn, hàng năm và hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện... Sau 3 năm triển khai (từ 2021-2023) đã có 40/40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 được cấp ngân sách Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 8 giai đoạn I. Đến hết ngày 9/8/2023, 100% tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Dự án năm 2023. Các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi, trọng tâm của Dự án 8 đề ra trong giai đoạn 1 đã đạt được những kết quả tích cực.

Về “Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em”, cấp Trung ương đã ban hành Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS giai đoạn 2023-2023 và định hướng đến 2030; xây dựng các tài liệu, sản phẩm truyền thông; thành lập, duy trì được 7.623/9000 tổ truyền thông cộng đồng với sự tham gia của 61.685 thành viên là nam giới, nữ giới những người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn/bản/ấp/buôn. Có 8/10 tỉnh đã chi triển khai gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em đến bà mẹ...

Về nội dung “Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, cấp Trung ương đã xây dựng, ban hành các tài liệu hướng dẫn triển khai các mô hình; tổ chức 8 khóa tập huấn nâng cao năng lực cho 200 cán bộ Trung ương Hội, Hội LHPN 51 tỉnh địa bàn dự án...; Các địa phương hỗ trợ 184/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, với 2.208 phụ nữ làm chủ/hoặc tham gia quản lý; thành lập, củng cố 1.462/1000 địa chỉ tin cậy, hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 12.971 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn DTTS…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Cẩm Linh

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Cẩm Linh

Nội dung số 3 về “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KTXH của cộng đồng, giám sát, phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị” cấp Trung ương xây dựng các bộ tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS về kỹ năng lãnh đạo, tổ chức làm mẫu 8 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật gắn với phiên toàn giả định về phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em tại một số tỉnh đại diện các vùng miền và tư liệu hóa thành clip cung cấp tới các địa phương. Thành lập, duy trì 1.132/1800 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với sự tham gia của 30.659 trẻ em. Tổ chức 233/600 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho trên 12.478 cán bộ các cấp; 1.145/4.400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, thu hút 65.233 người tham gia...

Các ý kiến đóng góp và tham luận tại hội nghị cho thấy, giai đoạn 2021- 2023, các cấp Hội đã nỗ lực, tập trung tham mưu triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Dự án 8 và đã đạt được những kết quả tích cực. Hầu hết các tỉnh, thành phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu cơ bản của Dự án trong giai đoạn I vào năm 2024.. Các hoạt động hàng năm của Dự án 8 được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng của Dự án, vừa mang tính toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế. Tại địa phương, Hội LHPN các cấp đã nỗ lực phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành liên quan trong triển khai. Các mô hình, hoạt động được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Dự án và thực hiện lồng ghép giới đang ở giai đoạn đầu triển khai, vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp khắc phục, thúc đẩy trong thời gian tới (về các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế tài chính, hướng dẫn nội dung triển khai, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát thực hiện bình đẳng giới; phương thức đặc thù, hiệu quả truyền thông, giáo dục gia đình giải quyết những vấn đề như định kiến giới; thực tế với những vấn đề xã hội cấp thiết nảy sinh tiếp tục cần quan tâm giải quyết…).

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chia-se-ket-qua-thuc-day-binh-dang-gioi-giai-quyet-cac-van-de-cap-thiet-doi-voi-phu-nu-va-tre-em-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post470425.html
Zalo