Chia sẻ của giáo viên sau thời gian triển khai Chương trình mới lớp 3
Chương trình GDPT 2018 ở lớp 3 rèn luyện cho học sinh năng lực giải quyết vấn đề gắn với tình huống thực tiễn trong cuộc sống.
Học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề phù hợp sở thích
Sau gần 2 tháng triển khai chương trình GDPT 2018 ở lớp 3, theo đánh giá của nhiều giáo viên, ngữ liệu trong sách giáo khoa đã gợi mở để giúp học sinh khai thác tối đa các thế mạnh của mình. Học sinh là trung tâm; giáo viên là người đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ.
Đồng quan điểm đó, cô Võ Thị Phương Liên - Khối trưởng khối 3, Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội) đánh giá: “Chương trình GDPT 2018 ở lớp 3 đã rèn luyện cho học sinh cách giải quyết vấn đề bằng những tình huống thực tế. Do vậy, các em sẽ mạnh dạn và bản lĩnh hơn trong quá trình tham gia các hoạt động trải nghiệm hay xử lý các tình huống trong cuộc sống mà bản thân gặp phải.
Bên cạnh đó, một số môn học được tích hợp, lồng ghép những nội dung liên quan để tránh chồng chéo. Do đó quá trình học, học sinh được lựa chọn chuyên đề phù hợp sở thích, năng lực nhằm phát huy hết thế mạnh của bản thân”.
“So với chương trình hiện hành, ngoài những điểm kế thừa thì chương trình mới có một số điều chỉnh nhằm hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực cốt lõi cho học sinh như: tự chủ, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.... Giáo dục không chỉ là quá trình truyền thụ kiến thức mà còn hướng dẫn, định hướng cho học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống nảy sinh trong cuộc sống”, cô Võ Thị Phương Liên - Khối trưởng khối 3 - Trường Tiểu học Phenikaa.
Cũng chính mục tiêu mà chương trình hướng tới, sau thời gian triển khai giảng dạy cô Liên nhận thấy học sinh có sự phân hóa rõ nét.
“Theo đó, căn cứ vào năng lực của mỗi học sinh/nhóm học sinh tôi sẽ được giao việc, kiểm tra theo các tiêu chí nhằm đánh giá đúng năng lực học tập”, cô Liên nói.
Để đạt hiệu quả như chương trình đề ra, bản thân cô Liên cũng phải linh hoạt điều chỉnh phương pháp giảng dạy để hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Đồng thời, cô Liên sử dụng kết hợp các phương pháp, kĩ thuật dạy học như: Phòng tranh, Walk and talk, đóng vai, làm nhóm... để tạo sự hứng thú, sáng tạo cho học sinh, học đi đôi với hành.
Mô hình về phương pháp dạy của cô Võ Thị Phương Liên:
Những thuận lợi và khó khi triển khai chương trình GDPT 2018 ở lớp 3
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thu Hiền - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Phenikaa, những thuận lợi mà Trường Tiểu học Phenikaa có được trường trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 ở lớp 3 là: "Trường chúng tôi mới thành lập cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư hiện đại đáp ứng được yêu cầu của chương trình đề ra. Đặc biệt, đối với môn tin học, chúng tôi có hệ thống phòng máy được kết nối mạng Internet để phục vụ học sinh học tập.
Đội ngũ giáo viên giảng dạy là người có kinh nghiệm, năng động và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để áp dụng vào giảng dạy.
Trước đó, giáo viên chúng tôi đã có thời gian nghiên cứu chương trình tổng thể và dạy thử, quá trình này thầy cô đã nắm được những điểm mới của chương trình vì vậy khi dạy chính thức họ sẽ không bị bỡ ngỡ, áp lực và có thể triển khai được chương trình tốt nhất".
Bên cạnh những thuận lợi, cô Hiền cũng chỉ ra một khó khăn mà quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 ở Trường Tiểu học Phenikaa gặp phải như: Một số thuật ngữ, nội dung được điều chỉnh so với chương trình cũ nên đòi hỏi giáo viên cần phải nghiên cứu kĩ tránh nhầm lẫn.
“Trước đó, để chuẩn bị tốt cho quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, Trường Tiểu học Phenikaa đã cho giáo viên tham gia dạy chương trình lớp 3 đi tập huấn, dạy thử để biết được những điểm mới, khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình triển khai thực tế.
Đặc biệt, chúng tôi cũng mời các chuyên gia đầu ngành về hỗ trợ, đào tạo thêm kiến thức chuyên môn cho giáo viên, demo giáo án, chuẩn bị cơ sở vậy đáp ứng cho chương trình mới… Do vậy, các giáo viên lớp 3 đã chủ động trong giảng dạy.
Đối với các hoạt động học tập đều được thiết kế theo hướng học đi đôi với hành để khơi gợi cảm hứng và phát triển năng lực của học sinh", cô Nguyễn Thu Hiền - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Phenikaa.