''Chìa khóa'' tạo sự đồng thuận

Việc thực hiện hiệu quả Quy định số 11, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về 'Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân' (gọi tắt Quy định số 11) chính là 'chìa khóa' tạo sự đồng thuận ở huyện Đam Rông.

Người dân kiến nghị ý kiến tại buổi tiếp dân

Người dân kiến nghị ý kiến tại buổi tiếp dân

Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở Quy định số 11, Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã ban hành Quy chế tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân của đồng chí Bí thư Huyện ủy. Hàng tháng, Bí thư Huyện ủy thực hiện tiếp công dân ít nhất 1 ngày. Ngoài ra, Thường trực Huyện ủy sẽ tiếp đột xuất khi cần. Thống kê từ năm 2019 đến nay, Thường trực Huyện ủy Đam Rông đã tổ chức 102 buổi tiếp công dân theo quy định và 1 buổi tiếp đột xuất. Ngoài ra, Huyện ủy Đam Rông cũng đã tổ chức 14 hội nghị đối thoại với Nhân dân trên địa bàn huyện. Tại các hội nghị, đa phần các ý kiến của Nhân dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền giải đáp và sau đối thoại có văn bản trả lời từng ý kiến đến Nhân dân. Một số kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND huyện và các cơ quan liên quan, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan liên quan ban hành văn bản báo cáo và đề xuất các giải pháp phối hợp cùng giải quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân.

Bên cạnh đó, Thường trực Huyện ủy Đam Rông cũng tiếp nhận các ý kiến khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh qua điện thoại và qua tin nhắn... Từ đó đã kịp thời chỉ đạo chính quyền các xã, các phòng, ban chuyên môn giải quyết những kiến nghị, đề nghị chính đáng của công dân.

Để Quy định số 11 được thực hiện hiệu quả ở cấp cơ sở, Huyện ủy Đam Rông đã lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và các cơ quan nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thống kê của UBND huyện Đam Rông cho thấy, từ năm 2019 đến nay, bí thư đảng ủy các xã thực hiện 432 buổi tiếp công dân; đảng ủy các xã tổ chức 267 cuộc đối thoại (190 cuộc định kỳ, 77 cuộc đột xuất) với 1.842 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Nội dung chủ yếu về thực hiện chế độ chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; về xây dựng cơ sở hạ tầng; chính sách an sinh xã hội và những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tại các hội nghị đối thoại có 1.749/1.842 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được giải quyết đúng thẩm quyền (đạt 94%); các kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp trên, đảng ủy các xã đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết và trả lời tổ chức, công dân theo quy định.

Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, công chức xã tiếp công dân 1.489 buổi (định kỳ 1.347, đột xuất 142) với 1.036 lượt người. Tại các buổi tiếp công dân, những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền đều được lãnh đạo các địa phương giải đáp. Các ý kiến không thuộc thẩm quyền giải quyết được lãnh đạo các xã tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đồng chí Đa Cắt K’Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông thông tin thêm: Để đánh giá kết quả thực hiện Quy định số 11, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp khi xây dựng chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát đưa nội dung kiểm tra, giám sát về trách nhiệm trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân của người đứng đầu cấp ủy.

Thống kê của Huyện ủy Đam Rông cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm tra 7 tổ chức Đảng, giám sát 3 tổ chức Đảng và 3 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý trong việc thực hiện Quy định số 11 gắn với kiểm tra, giám sát công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Riêng trong năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm tra đối với 2 tổ chức Đảng và 1 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý trong thực hiện nội dung này; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã tiến hành kiểm tra đối với 24 tổ chức Đảng về thực hiện công tác giải quyết tố cáo tổ chức Đảng và đảng viên; Thanh tra huyện thực hiện 13 cuộc thanh tra về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân.

Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã kịp thời nắm bắt tình hình, hướng dẫn cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy trong việc chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Tuy vậy, bên cạnh những chuyển biến nhất định, Huyện ủy Đam Rông cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện Quy định số 11. Trong đó đáng chú ý có việc một số cấp ủy chưa quan tâm thường xuyên đến việc thực hiện Quy chế về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân, của người đứng đầu cấp ủy và chưa thực sự chú trọng đến việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thủ tục còn rườm rà gây phiền hà cho dân khi đến phản ảnh, khiếu nại; công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng Nhân dân gửi đơn khiếu nại không đúng địa chỉ và quy định của pháp luật...

Để tiếp tục tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Đam Rông đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để khắc phục những vấn đề đang tồn tại và triển khai tốt trong thời gian tới.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202410/chia-khoa-tao-su-dong-thuan-f2c2e05/
Zalo