Chìa khóa phát triển công nghiệp hoạt hình Việt Nam

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hoạt hình đang dần có những bước phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế to lớn. Tuy nhiên, đi kèm đó là thách thức không nhỏ về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Vấn đề bản quyền ngày càng được quan tâm

Trên thế giới, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp hoạt hình luôn là một vấn đề được các nhà sáng tạo quan tâm. Những công ty sản xuất phim hoạt hình lớn như Disney, Pixar đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của lĩnh vực này, nhận thức về sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp sáng tạo đã được nâng cao đáng kể. Khi các studio đẩy mạnh phân phối tác phẩm trên môi trường số, nhằm thu hút khán giả quốc tế, đồng thời phát triển hệ sinh thái hoạt hình, vấn đề bản quyền càng được quan tâm.

Năm 2022, dư luận từng chú ý tới vụ tranh chấp bản quyền giữa nhân vật Wolfoo (do Sconnect Việt Nam sở hữu) và nhân vật Peppa Pig (do Entertainment One UK Limited - eOne sở hữu), khi eOne liên tục đánh bản quyền các video Wolfoo trên YouTube dẫn tới bị xóa, gây thiệt hại lớn cho Sconnect…

 Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - chìa khóa phát triển ngành công nghiệp hoạt hình. Ảnh: TN

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - chìa khóa phát triển ngành công nghiệp hoạt hình. Ảnh: TN

Tại tọa đàm “Khai thác tiềm năng thị trường ngành hoạt hình Việt Nam từ nội địa đến toàn cầu”, ông Tạ Mạnh Hoàng - Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam chia sẻ: Sconnect ngay trong giai đoạn đầu tiên đã xác định chinh phục các thị trường như Mỹ và châu Âu trước để học cách làm nội dung có tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi định vị ở thị trường nước ngoài sẽ mang kiến thức, kinh nghiệm, kết quả đó về tiếp tục xây dựng thị trường hoạt hình Việt Nam.

“Lựa chọn con đường này, một công ty non trẻ trong mảng sáng tạo như Sconnect gặp nhiều trở ngại, trong đó có vấn đề pháp lý. Thông thường những doanh nghiệp mới thành lập chưa tập trung xây dựng được năng lực về pháp lý. Hơn nữa, vấn đề bản quyền ở Việt Nam khá mới mẻ nên chúng tôi có chút khó khăn, bởi khi ra thế giới, đối thủ cạnh tranh quyết liệt vì cùng tệp khách hàng, họ dựa trên công cụ pháp lý để cản trở quá trình sáng tạo và phát triển của mình. Chúng tôi đang kiên trì vừa kinh doanh vừa khắc phục hậu quả...” - ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết.

Lập hàng rào bảo vệ

Không dừng lại trên màn ảnh, nhân vật hoạt hình còn có thể trở thành biểu tượng thương hiệu thông qua các sản phẩm như đồ chơi, sách, thời trang và ứng dụng công nghệ. Dù là một lĩnh vực mới mẻ trong rất nhiều sản phẩm đa dạng của sở hữu trí tuệ, việc cấp quyền thương mại cho các nhân vật hoạt hình đang phát triển rất nhanh, đi cùng với sự bùng nổ của công nghệ và nội dung số. Thành công của những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Mickey Mouse, Doraemon hay công chúa Disney đã chứng minh sức mạnh của thương hiệu hoạt hình, tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ trên toàn cầu.

Ngành công nghiệp hoạt hình Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các studio trong nước không chỉ tham gia sản xuất gia công cho các hãng phim quốc tế mà còn tự tạo ra những thương hiệu hoạt hình riêng như Wolfoo, Trạng Quỳnh thời nhí nhố… Việc cấp quyền sử dụng hình ảnh các nhân vật này đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển thương hiệu mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng: “Các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực này cần làm chuẩn hơn, định vị trước cho doanh nghiệp bằng cách tập trung vào giá trị sáng tạo, xây dựng ý tưởng hình ảnh, đặc biệt chú ý tới công cụ bảo vệ pháp lý khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài”.

Luật sư Trần Thị Tám - Giám đốc Công ty IPCom Việt Nam, chuyên gia về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ góp ý: các doanh nghiệp cần lập hàng rào trước hết để không xâm phạm sáng tạo của người khác, và không ai có thể xâm phạm bản quyền của mình. "Để làm được như vậy, những hợp đồng với các đối tác như hợp đồng phân phối nội dung (chính sách cộng đồng của Youtube cũng là một dạng hợp đồng phân phối), khai thác phái sinh, thứ cấp với các nhân vật… cần làm chặt chẽ để vừa bảo vệ được tài sản, trong khi nhân vật của mình vẫn được phổ biến rộng rãi”.

Theo Luật sư Trần Thị Tám, tiêu chuẩn để tác phẩm, nhân vật hoạt hình được bảo hộ là có tính nguyên gốc, không giống hay na ná tác phẩm, nhân vật nào khác đang được bảo hộ bản quyền. Với tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền, các nhà sáng tạo có quyền khai thác, nhưng phải nêu rõ tên tác phẩm, nhân vật lấy cảm hứng sáng tạo…

Bên cạnh đó, khi phân phối phim, sản phẩm ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam nên có luật sư bản địa tư vấn về xung đột pháp luật. Ví dụ, luật của Việt Nam quy định quyền sở hữu tác phẩm thuộc về bên đầu tư tác phẩm, nhưng ở Mỹ, nếu không có thỏa thuận, thì quyền sở hữu này thuộc về người sáng tạo…

Nếu các nhà sáng tạo cũng như quản trị sáng tạo nhận thức rõ vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ tránh được tranh chấp pháp lý và thiệt hại không đáng có. Làm tốt điều này không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện để ngành công nghiệp phim hoạt hình Việt Nam phát triển bền vững.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chia-khoa-phat-trien-cong-nghiep-hoat-hinh-viet-nam-post398098.html
Zalo