Chìa khóa phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ AI đang là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp duy trì cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thành công, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ nâng cao năng lực nội bộ, đảm bảo bảo mật đến tuân thủ quy định pháp lý.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo một cuộc đua mới về nắm bắt, làm chủ, chuẩn hóa các công nghệ mới của các quốc gia cũng như của các tổ chức quốc tế. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ AI không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mà là một quá trình chuyển đổi toàn diện, bao gồm thay đổi từ quy trình kinh doanh, vận hành, cho đến tư duy và kỹ năng của nhân sự.

Hiện nay có rất nhiều quốc gia đã và đang nghiên cứu hoặc có mục tiêu chiến lược lấy công nghệ này làm nền tảng phát triển quốc gia và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Blockchain và AI được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, giáo dục, bảo hiểm, logistic... công nghệ này có thể tiết kiệm chi phí tối đa lên tới 30 - 50%.

Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc chuyển đổi số, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII cho biết: “Nếu thực sự chúng ta tập trung vào nghiên cứu sâu, đào tạo tốt thì lực lượng về nghiên cứu Blockchain cũng như trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam còn có thể tham gia vào những công nghệ lõi để phát triển ra những sản phẩm ứng dụng”.

Ở khối doanh nghiệp, có đến 74% doanh nghiệp sử dụng AI tạo sinh đã thu hồi vốn ngay trong năm đầu tiên, 86% báo cáo doanh thu có sự tăng trưởng so với trước khi ứng dụng AI. Các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm đều ghi nhận kết quả tích cực khi áp dụng AI, giúp tối ưu hóa quy trình, thúc đẩy tăng trưởng tài chính bền vững. Vì thế, doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp để tiếp cận và vận hành công nghệ mới.

Ông Lê Anh Quốc, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty AlphaTrue cho hay: "Blockchain và AI có thể thay thế được ở một số lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng đơn giản, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội mới như những công việc liên quan đến quản lý và điều hành”.

Công nghệ Blockchain sẽ xuất hiện ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, dịch vụ công, năng lượng… khi mà các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang dành nhiều thời gian, nguồn lực đầu tư cho các dự án thử nghiệm liên quan đến Blockchain.

Khi ứng dụng công nghệ này, dữ liệu sẽ được lưu trữ ở hàng nghìn máy tính khác nhau trong nước hoặc trên thế giới. Người dùng không thể tùy tiện thay đổi, làm sai lệch thông tin nhằm hướng tới sự phát triển minh bạch. Các quy định pháp lý cũng là một thách thức lớn, khi doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định ngày càng nghiêm ngặt liên quan đến bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.

Nhật Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/chia-khoa-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-276086.htm
Zalo