'Chìa khóa' nâng cao chất lượng dân số
Tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là phương pháp, kỹ thuật khoa học tiên tiến nhằm phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi trẻ ra đời. Từ đó, bác sĩ sẽ định hướng chẩn đoán, can thiệp điều trị sớm cho trẻ, giảm tỷ lệ trẻ tử vong và dị tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Năm 2024, Chi cục Dân số tỉnh đã phối hợp với các đơn vị y tế cấp tỉnh, huyện, thị, thành phố nhằm cung cấp và triển khai các dịch vụ như: siêu âm đo độ mờ da gáy, siêu âm khảo sát hình thái học và lấy mẫu máu thai phụ, xét nghiệm sàng lọc trước sinh và lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sau sinh. Kết quả có 4.785 ca/9.081 ca được sàng lọc sơ sinh, đạt 52,7% chỉ tiêu đề ra, tăng 931 ca so với cùng kỳ năm trước; 4.465 ca/8.421 ca sàng lọc trước sinh, đạt 53% chỉ tiêu đề ra, tăng 536 ca so với cùng kỳ năm trước.
Vì tương lai của trẻ
Chị Trần Thị Nghĩa (SN 1983) ở khu phố 1, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long đang mang thai đứa con thứ 2. Gia cảnh khó khăn, bản thân chị không được lanh lợi, chồng chị cũng chậm trí tuệ nên không biết cách chăm sóc vợ bầu và con nhỏ.
Nắm rõ đối tượng cần hỗ trợ, cộng tác viên dân số Phan Thị Thu thường xuyên đến nhà tư vấn, hướng dẫn chị Nghĩa cách chăm sóc sức khỏe và khám, sàng lọc thai đúng định kỳ. Chị Thu còn vận động tặng chị Nghĩa 1 thẻ bảo hiểm y tế, giúp chị giảm nỗi lo chi phí khi đến bệnh viện. “Mang thai khi lớn tuổi khiến tôi lo lắng. May có chị Thu và các cán bộ dân số, y tế trợ giúp nên tôi được khám thai định kỳ, mẹ con đều khỏe, yên tâm chờ ngày “vượt cạn” an toàn” - chị Nghĩa xúc động.
Chị Trịnh Hải Yến ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chia sẻ, khi mang thai được 8 tuần tuổi, chị đi siêu âm ở Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Phước Long thì được các y, bác sĩ tư vấn về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. “Tôi đã tuân thủ đúng lịch khám sàng lọc và ăn uống bổ sung đủ dinh dưỡng. Nhờ vậy mà “mẹ tròn con vuông”. Ngay khi bé ra đời, tôi đã chủ động yêu cầu bác sĩ lấy mẫu máu gót chân để sàng lọc bệnh tật cho con, nếu không may con có bệnh gì thì kịp thời can thiệp từ sớm”.
Theo nghiên cứu, tất cả phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ đều có 5% nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh, song hơn 70% dị tật bẩm sinh có thể ngăn chặn, chữa khỏi hoặc cải thiện từ giai đoạn trong bào thai và sơ sinh nếu người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế đủ điều kiện.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hồng Phong, phụ trách Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT thị xã Phước Long chia sẻ, 2 phương pháp sàng lọc trước sinh và sơ sinh không trùng lắp mà bổ trợ cho nhau để đảm bảo em bé có sức khỏe tốt nhất. “Thời điểm vàng” phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc trước sinh là khi thai 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần tuổi. Với sàng lọc sơ sinh, cha mẹ nên thực hiện sau khi em bé chào đời bằng cách lấy máu gót chân. Đây là biện pháp lấy 1-2 giọt máu ở gót chân trẻ trong vòng 48 giờ sau sinh. Một số dị tật được phát hiện qua sàng lọc sơ sinh mà mắt thường không nhìn thấy được như: suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và một số rối loạn chuyển hóa khác.
Nâng cao nhận thức người dân
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề cập đến nhiều giải pháp quan trọng, trong đó yêu cầu phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.
Hiện nay, TTYT ở tất cả tuyến huyện, trong tỉnh đều được trang bị đầy đủ máy siêu âm màu để thực hiện sàng lọc trước sinh. Đối với sàng lọc sơ sinh, 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có đủ năng lực thực hiện lấy mẫu máu gót chân xét nghiệm sàng lọc sơ sinh. Có 3 TTYT thực hiện lấy mẫu máu gót chân miễn phí cho các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo, đó là: TTYT huyện Lộc Ninh, TTYT thị xã Bình Long và TTYT thị xã Phước Long.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Bình Phước vẫn còn gặp khó khăn trong công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đó là: một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn nhân lực chuyên khoa về khám sàng lọc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật còn hạn chế. Đối với sàng lọc trước sinh, các đơn vị y tế trong tỉnh mới chỉ thực hiện siêu âm độ mờ da gáy và siêu âm khảo sát hình thái học. Còn đối với sàng lọc sơ sinh, các đơn vị y tế trong tỉnh chỉ mới thực hiện lấy mẫu máu, sau đó gửi về Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh để phân tích và chờ kết quả trả về.
“Một số người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhiều phụ nữ mang thai đi khám sàng lọc chủ yếu để biết giới tính thai nhi và xót con trẻ mới sinh nên không hợp tác trong việc lấy máu gót chân” - bác sĩ chuyên khoa I Tô Ngọc Trâm, Khoa Sản, TTYT huyện Bù Đăng cho biết.
Phân tích những thuận lợi và khó khăn trong chương trình “Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030”, Chi cục phó Chi cục Dân số tỉnh Lê Văn Hậu nhấn mạnh, ngành sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông phù hợp với nhóm đối tượng, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn kiến thức, kỹ năng sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho đội ngũ cán bộ dân số, cán bộ y tế chuyên khoa sản từ tỉnh, huyện, thành phố đến cơ sở.… Đây được xem là “chìa khóa vàng” giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.