'Chìa khóa' giúp Vô Điếm đổi thay
BHG - Xã Vô Điếm nằm ở bờ phía Đông sông Lô được ví như vùng lõm đầy khó khăn của huyện Bắc Quang. Sau gần 2 năm hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), Vô Điếm bây giờ đổi thay rất nhiều.
Cách đây 2 năm trước, đến Vô Điếm tôi đã phải gửi xe lại bên bờ sông Lô rồi bắt xe ôm vào xã, trở lại lần này đi qua thôn Thia Trường đã “thay da, đổi thịt”. Đường nhựa trải rộng, chạy dài cùng với rất nhiều ngôi nhà mới xây kiểu nhà Thái; những đồi chè xanh mát đâm búp tươi non. Gặp lại anh Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc HTX chè Thia Trường hồ hởi khoe ngay: HTX đang tổ chức sản xuất 3 ca/ngày đêm, mỗi ca 15 người làm. Cứ một ngày đêm HTX làm ra 10 tấn sản phẩm chè đen xuất khẩu. Tương đương mỗi tháng, HTX bán cho doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chè khoảng 250 – 300 tấn chè đã chế biến. Doanh thu của HTX năm 2024, được nhận định là khá cao. Thu nhập bình quân của người lao động dao động mùa làm chè năm nay từ 13 – 15 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập ấy kéo dài khoảng 5 – 6 tháng/năm vào thời vụ cao điểm thu hái chè. Thời gian còn lại, người lao động tập trung vào việc làm cỏ, bón phân chăm sóc vườn chè. Sau gần 2 năm xã Vô Điếm hoàn thành xây dựng NTM, cũng là 2 năm HTX chè Thia Trường xây dựng được mối liên kết giữa HTX với người lao động trong thôn. Cứ đầu năm, HTX cung cấp toàn bộ vật tư, phân bón khoảng 90 – 100 tấn, ứng trước cho 128 hộ trồng chè trong thôn. Đồng thời, HTX, cam kết thu mua bao tiêu toàn bộ sản lượng chè búp tươi cho bà con theo giá thị trường; HTX tuyển dụng con em người lao động trong thôn vào làm việc trong xưởng chế biến; người lao động làm tại xưởng chế biến chè được hỗ trợ ăn trưa, nghỉ tại xưởng; được trang bị đầy đủ bảo hộ cùng với lương, thưởng/tháng. Anh Ma Văn Quyền, thành viên HTX chè Thia Trường góp chuyện: Anh nhìn những đồi chè cả thôn Thia Trường hiện nay xanh mơn mởn, chè được chăm bón đúng cách đã cho năng suất tăng gấp đôi, đạt khoảng 90 – 100 triệu đồng/ha/năm. Bà con trong thôn tham gia vào chuỗi liên kết trong HTX yên tâm sản xuất, vào xưởng làm việc có thu nhập ổn định. Hiện, xã Vô Điếm có trên 400 ha cây chè đang cho thu hoạch, diện tích này mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây..
Trên đường vào trung tâm xã tôi đã mục sở thị thôn Me Hạ, dọc con đường bê tông vào thôn là những rừng keo xanh tốt, đồi chè xanh tươi mơn man theo làn gió Thu thổi nhẹ. Người thôn Me Hạ vui vẻ: Từ khi hoàn thành xây dựng NTM, Vô Điếm có đường bê tông, có cầu treo bắc qua sông Lô đã làm đổi thay cả vùng đất. Anh Đỗ Văn Điển, Giám đốc HTX Quốc Điển, thôn Me Hạ chia sẻ: Ao cá này trên 9.000 m2, mỗi năm cho gia đình khoảng 1,5 – 2 tấn cá. Bên trong vườn đồi là khu chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn đen. Mỗi năm, HTX vừa nuôi vừa thu mua của bà con trong thôn, xã bán ra thị trường trên 15 - 20 tấn lợn hơi. Giá lợn đen bán ra thị trường là 90 – 110 ngàn đồng/kg; giá bán gà thiến dao động từ 150 – 180 ngàn đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm của HTX Quốc Điển đều bán về xuôi theo chuỗi liên kết đã được ký với các doanh nghiệp, nhà hàng đặc sản.
Bí thư Đảng ủy xã Vô Điếm Vũ Đình Tuyên cho hay: Vô Điếm đang có trên 400 ha chè, hàng ngàn ha rừng kinh tế, gần 300 ha mặt nước nuôi thả cá, tôm, chưa nói đến lúa gạo đặc sản, lợn đen, gà thiến. Vô Điếm đã thoát khỏi vùng “lõm” của sự khó khăn và đang vươn mình bứt phá đi lên để xây dựng NTM nâng cao.
Qua cây cầu treo thơ mộng soi bóng xuống dòng Lô tôi mới hiểu, cây cầu treo này, con đường nhựa hóa kia được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng đã trở thành “chìa khóa” mở ra cho Vô Điếm một chương mới thực sự đổi thay từ suy nghĩ đến cách làm. Một vùng quê giàu có, yên bình rất đáng để sống, để tìm về.