Chìa khóa giảm nghèo

Ðể góp phần giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thới Bình phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp tích cực, giúp người dân vươn lên, tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay vốn ưu đãi đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập.

Tính đến đầu tháng 8/2024, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với bà con nghèo và đối tượng chính sách tại tất cả các khóm, ấp trong toàn huyện, góp phần giúp trên 2.307 hộ vay để đầu tư phục vụ sản xuất (dư nợ bình quân 32 triệu đồng/hộ vay). Trong đó, cho vay gần 400 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số vốn gần 20 tỷ đồng. Số vốn vay được hộ dân sử dụng cải tạo ao đầm, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phục vụ sản xuất... mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ðiển hình như gia đình bà Lê Thị Dung, Ấp 4, xã Thới Bình, sau khi được tiếp cận và vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi heo thịt, mỗi năm bà bán từ 2-3 đợt, mỗi đợt từ 6-7 con, trọng lượng từ 90-110 kg/con; khoảng 20 heo con. Ngoài ra, gia đình còn đặt rượu bán và lấy hèm nuôi heo, gà vịt. Thu nhập bình quân mỗi năm từ các nguồn đạt khoảng 200 triệu đồng, nhờ đó gia đình bà từ khó khăn đã vươn lên khá giả.

Từ nguồn vốn chính sách, bà Lê Thị Dung đầu tư chăn nuôi kết hợp, đời sống ngày càng ổn định hơn.

Từ nguồn vốn chính sách, bà Lê Thị Dung đầu tư chăn nuôi kết hợp, đời sống ngày càng ổn định hơn.

Anh Ðăng nuôi nhân giống và nuôi rắn ri tượng lấy thịt, cho thu nhập cao.

Anh Ðăng nuôi nhân giống và nuôi rắn ri tượng lấy thịt, cho thu nhập cao.

Hay anh Trần Minh Ðăng, hộ nghèo của xã Tân Lộc, từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng, anh đầu tư chuồng trại, mua thêm con giống nuôi rắn ri tượng. Ðến nay, với khoảng 50 con rắn sinh sản, ngoài bán rắn con, anh còn bán rắn thịt, đặc biệt bán rắn nhân giống có giá trị cao, thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Gia đình anh đang cố gắng từng bước vươn lên thoát nghèo.

Anh Ðăng chia sẻ: “Trước đây tôi đi làm thợ hồ, cuộc sống vất vả lắm. Sau khi tiếp cận được nguồn vốn của NHCSXH, qua xem trên mạng thấy người ta nuôi rắn ri tượng có thu nhập nên tôi nuôi thử nghiệm. Thời gian đầu thất bại vài lần, sau này có kinh nghiệm, tôi có rắn con xuất bán ra thị trường, rồi bán rắn thịt, có thêm thu nhập trang trải nên cuộc sống đỡ hơn”.

Ông Sơn Tấn Phát, Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện, cho biết: “Ðã qua, NHCSXH huyện đã triển khai cho vay các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại địa phương; các hộ thực hiện chủ yếu các mô hình chăn nuôi sản xuất, đạt hiệu quả. Ðịnh hướng sắp tới, đơn vị sẽ tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy cũng như các ngành, các cấp liên quan, giám sát chặt chẽ nguồn vốn này, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đầu tư hiệu quả”.

Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH kết hợp với các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất khác đã giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, góp phần giảm hộ nghèo toàn huyện còn 678 hộ, chiếm 1,90% và còn 755 hộ cận nghèo, chiếm 2,12%, từ đó thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng NTM./.

Thùy Linh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chia-khoa-giam-ngheo-a35021.html
Zalo