Chìa khóa để TP HCM tăng trưởng: Xây dựng hai tầng giải pháp
Trong năm 2025, TP HCM cần nắm chắc mục tiêu tăng trưởng 8% thông qua các động lực truyền thống, sau đó tiến thêm 2% với các dự án mới
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10%, TP HCM cần xây dựng 2 tầng giải pháp và thực hiện theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế.
3 đòi hỏi từ thực tế
Tầng giải pháp tăng trưởng 8% cần dựa vào các động lực truyền thống. Trong năm 2017, 2018, 2019, TP HCM dễ dàng đạt mức tăng trưởng 8% dựa trên các động lực truyền thống. Lúc bấy giờ, tổng vốn đầu tư xã hội của TP HCM chiếm 33% GRDP năm 2019. Tuy nhiên, kể từ khi diễn ra đại dịch COVID-19, tổng vốn đầu tư xã hội của TP HCM tụt giảm rất sâu.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư xã hội từ 446.000 tỉ đồng năm 2019 xuống còn 395.000 tỉ đồng vào năm 2024. Tổng vốn đầu tư xã hội của TP HCM năm 2024 chỉ chiếm hơn 22% GRDP, kém rất xa thời điểm trước dịch COVID-19.
Vậy mục tiêu của thành phố là làm sao tăng tổng vốn đầu tư xã hội trong năm nay. Tính GRDP danh nghĩa năm 2025 của TP HCM là khoảng 2 triệu tỉ đồng. Như vậy, để đạt mức tổng vốn đầu tư xã hội 33% như năm 2019, thành phố cần huy động khoảng 660.000 tỉ đồng cho năm 2025. Trong đó, tổng vốn đầu tư công (vốn khu vực nhà nước) có thể "gánh" 100.000-120.000 tỉ đồng. Như vậy, vấn đề mấu chốt để TP HCM nắm chắc mức tăng trưởng 8% là huy động vốn đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài khoảng 500.000 tỉ đồng. Đây là vấn đề mấu chốt.
Đầu tư khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài đòi hỏi gì? Thứ nhất, là phải có đất đai với giá hợp lý. Do đó, TP HCM phải vừa xây dựng nhanh khu công nghiệp mới vừa cơ cấu lại khu công nghiệp cũ để có quỹ đất sạch với giá phải chăng.
Thứ hai, TP HCM cần tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng số. Vấn đề này thời gian qua chính quyền thành phố đã làm rất tốt. Đơn cử như hạ tầng giao thông đã lên hết kịch bản từ đường sắt đô thị đến các đường vành đai… Thành phố tiếp tục làm tốt những vấn đề này, lập tức dòng vốn đầu tư sẽ tăng lên.
Thứ ba, là vấn đề thể chế. Nghị quyết 98 của Quốc hội đã mở ra về mặt thể chế. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề là ở môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách hành chính. Chúng ta thấy các dự án vẫn ách tắc về thời gian, về cải thiện môi trường đầu tư. Các chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), thành phố chưa cải thiện. Cần tập trung thực hiện quyết liệt để cải thiện những chỉ số trên để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, TP HCM đang thực hiện tinh gọn bộ máy và nhân lực. Như vậy, bộ máy và nhân lực sau khi tinh gọn phải đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Song song đó, đầu tư về công nghiệp văn hóa, sẽ kết nối với du lịch. Thành phố đầu tư cho hạ tầng văn hóa, hạ tầng du lịch, từ đó thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống.

TP HCM cần xây dựng 2 tầng giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kỳ vọng các dự án mới
Tầng giải pháp thứ 2 là sau khi đủ khả năng đạt mức tăng trưởng 8% cho năm 2025, chúng ta tiến thêm 2%.
Nền tảng để TP HCM đạt được 2% còn lại nằm ở việc vận hành, khai thác các dự án mới đang hình thành. Đó là Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM. Lấy Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM là "một focus" - trọng tâm, khi chúng ta hình thành trung tâm này, lập tức có thể đạt được 2% còn lại. Thứ hai là dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cộng với khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, khu thương mại tự do… sẽ tạo thêm tăng trưởng cho thành phố.
Ngoài ra, TP HCM cần tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thành phố đã thành lập được Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Chuyển đổi số, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Nghiên cứu R&D, các viện, các trường… Từ đó, thành phố đã hình thành nên rất nhiều vườn nghiên cứu. Nếu thành phố phát huy được sẽ có thêm 2% tăng trưởng.
Thành phố hãy nắm chắc 8% tăng trưởng từ các động lực truyền thống, tận dụng các yếu tố mới để tăng trưởng 2% thì TP HCM chắc chắn đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới. Còn tiếp)
Phan Anh ghi
Trong năm nay, TP HCM sẽ giải quyết để huy động 230 ha đất từ các khu công nghiệp, 110.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, 90.000 tỉ đồng vốn đầu tư nước ngoài. Vừa qua, thành phố đã làm việc với các ngân hàng và xác định có thể giải quyết 350.000 tỉ đồng hoặc nhiều hơn cho vốn đầu tư xã hội".
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi
Mở rộng không gian phát triển
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm muốn tăng trưởng cao, quan trọng nhất là cơ hội phát triển phải mở ra và được duy trì bền vững. Theo ông, mở rộng cơ hội phát triển cho các chủ thể là nền tảng của tăng trưởng.
"Cơ hội phát triển mới nằm ở việc mở rộng không gian phát triển. TP HCM cần đặt vấn đề mở rộng không gian bầu trời và không gian ngầm" - PGS-TS Trần Đình Thiên nói.
Thông qua diễn đàn, Báo Người Lao Động mong nhận được những ý kiến đóng góp mang tính giải pháp từ chuyên gia, nhà khoa học, người dân để cùng TP HCM đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025.
Mọi ý kiến, hiến kế gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn