'Chìa khóa' để hưng thịnh, giàu mạnh
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Amandeep Singh Gill, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ kỹ thuật số và Công nghệ mới nổi, đồng thời là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định khoa học công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu. Trong đó các lĩnh vực chuyển đổi số, dữ liệu lớn,
internet vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng sạch, vật liệu mới… là những động lực mới để phát triển đất nước.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN, thúc đẩy ĐMST và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. “Chuyển đổi số” với quản trị số, kinh tế số, xã hội số... đã và đang trở thành từ khóa của ĐMST ở Việt Nam.
Cuối tháng 12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định, phát triển KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết này là minh chứng rõ nét thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong phát triển KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, thể hiện khát vọng của dân tộc, mong mỏi của Nhân dân, các nhà khoa học; thôi thúc cả hệ thống chính trị, các DN, các cơ sở giáo dục đại học đổi mới, với tư duy kiến tạo.
Bài học thành công ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc.... cho thấy KH&CN là một trong những “chìa khóa” để quốc gia hưng thịnh và giàu mạnh.
Để đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống, cần nhanh chóng có Chương trình hành động. Rất nhiều việc phải thực hiện, trong đó có tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN, ĐMST, triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về KH&CN, ĐMST góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn”, rào cản, giải phóng các nguồn lực...
Được biết, Bộ KH&CN đang tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội 4 dự án luật liên quan trong năm 2025. Với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chắc chắn không thể bỏ lỡ các cơ hội.