'Chìa khóa' cho 30 năm tiếp theo của quan hệ Việt - Mỹ
Giáo dục, đổi mới sáng tạo và quan hệ đối tác là những phương diện quan trọng góp phần 'gieo hạt' cho chương mới của mối quan hệ Việt – Mỹ, theo Đại sứ Marc Knapper.
“Như người Việt hay ví ‘có công trồng cây, có ngày hái quả’, điều này thực sự phản ánh mối quan hệ của hai nước chúng ta. Trong 30 năm qua, chúng ta gieo hạt giống tình bạn và nuôi dưỡng những cây xanh lớn dần, để tất cả chúng ta có thể tận hưởng thành quả của quan hệ đối tác Việt – Mỹ, và trồng những cây mới cho thế hệ tương lai”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ hai nước (1995-2025).
Ông Knapper nhấn mạnh, giáo dục, đổi mới sáng tạo, quan hệ đối tác sẽ góp phần hình thành nền tảng cho tương lai 30 năm tiếp theo của mối quan hệ Việt – Mỹ. Trong đó, đổi mới sáng tạo "là chìa khóa cho 30 năm tiếp theo của mối quan hệ hai nước chúng ta".
Về giáo dục, Đại sứ cho biết, Việt Nam đang là nguồn sinh viên quốc tế lớn thứ sáu tại Mỹ. “Tôi mong chờ con số đó tăng lên thứ năm hoặc thứ tư, thứ ba vào một ngày nào đó. Hiện tại, có hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ, nhưng khi tính cả các chương trình trực tuyến, thì số sinh viên Việt Nam tiếp cận với hệ thống giáo dục Mỹ là 300.000”.
Thông qua các chương trình giáo dục, công dân của cả hai nước sẽ hiểu biết hơn về đất nước của nhau, giúp mang theo tầm nhìn về tương lai cho hai quốc gia, theo Đại sứ.
Ông Knapper đề cập đến những ứng dụng được dùng phổ biến tại Việt Nam, có đội ngũ sáng lập là những người đã theo học các chương trình tại Mỹ. “Những câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng giáo dục không chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn là việc xác định và giải quyết các vấn đề thực tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua đổi mới”.
Cách đây 30 năm, khi các khái niệm như trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu, an ninh mạng còn chưa được nhiều người nhắc đến. Giờ đây, giữa Mỹ và Việt Nam đã có sự hợp tác và đầu tư mạnh mẽ trong các lĩnh vực này.
“Vì vậy, tiếp theo trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta thực hiện cách tiếp cận hướng tới tương lai bằng cách tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, chất bán dẫn, AI, công nghệ 5G, năng lượng tái tạo, đổi mới kỹ thuật số,... Khu vực tư nhân đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình này, với các công ty như Intel, NVIDIA, đã đầu tư đáng kể và hợp tác với các kỹ sư tài năng của Việt Nam, để tạo ra các công nghệ mới”, Đại sứ nói.
Ông cũng tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác, đặc biệt trong giải quyết hậu quả chiến tranh. Theo Đại sứ, năm 2025 không chỉ quan trọng vì đây là kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, mà còn đánh dấu 50 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Đây là hành trình cần có lòng dũng cảm thực sự và những nỗ lực chung từ cả hai phía.
“Bây giờ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta đã sẵn sàng và chuẩn bị để đáp ứng những thách thức của ngày hôm nay và những thập kỷ tới. Chương tiếp theo, tương lai của Việt Nam, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và các quốc gia khác, đều phụ thuộc vào các bạn”, ông nói với các sinh viên.
Cũng tại sự kiện, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải điểm lại các chương trình hợp tác giáo dục đa dạng (học thuật, quan hệ đối tác nghiên cứu, sáng kiến đề xuất, trao đổi giảng viên và sinh viên, và tổ chức các hội nghị và hội thảo) giữa trường và các cơ sở giáo dục Mỹ. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, thông qua những nỗ lực này, các bên không chỉ thúc đẩy kiến thức mà còn mở đường cho sự hợp tác và hiểu biết toàn cầu lớn hơn.
“Khi chúng ta tiến gần đến kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, điều quan trọng là suy ngẫm về những tiến bộ đáng kinh ngạc mà chúng ta đã cùng nhau đạt được.
Cột mốc này đóng vai trò như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sức mạnh chuyển đổi của quan hệ hợp tác, và những khả năng mở ra khi hai quốc gia cùng nhau làm việc vì lợi ích chung. Đây là cơ hội cho cả hai quốc gia chúng ta cùng nhau kỷ niệm mối quan hệ ngày càng sâu sắc, gắn kết, và hướng tới chương tiếp theo trong hành trình chung này”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm 2000, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đã tới thăm và có buổi nói chuyện với sinh viên trường. Và trong thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách cũng như các học giả danh tiếng thế giới.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký kết 33 thỏa thuận và hiệp định hợp tác song phương với các đối tác là những trường đại học, tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Mỹ. Trong năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Arizona ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn, với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực từ nhiều cấp độ, từ trung học phổ thông đến đại học và các chuyên gia đang làm việc trong ngành.
Dự kiến, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các hoạt động trao đổi như phát triển chương trình đào tạo, chia sẻ học liệu, trao đổi cán bộ và sinh viên giữa trường với các cơ sở, tổ chức giáo dục Mỹ.