Chỉ vì một lời mời, Thủ tướng Anh đối mặt phép thử quan hệ với Nga 'hậu Brexit'
Sau khi Anh rời EU, Thủ tướng Anh đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc xử lý quan hệ với cả bạn bè và đối thủ.
Tờ Financial Times đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cân nhắc lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự buổi lễ kỷ niệm Thế chiến thứ hai diễn ra tại Moscow vào tháng 5. Đây được coi là một bài kiểm tra ngoại giao cho thái độ của chính phủ Anh đối với Nga.
Trong sự kiện sắp tới, các binh lính Nga sẽ diễu hành qua Quảng trường Đỏ cùng với các khí tài hiện đại, để đánh dấu 75 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai.
Theo các nguồn tin tiết lộ với Financial Times, ông Johnson đang suy nghĩ xem có tham dự buổi diễu hành hay không. Cùng lúc bên trong Downing Street (nơi đặt Văn phòng Thủ tướng Anh), đang diễn ra những cuộc thảo luận liên quan tới việc xử lý mối quan hệ với Moscow sau khi nó bị tuột dốc vì cáo buộc Nga đầu độc một cựu điệp viên tại Salisbuy, Anh năm 2018.
Trong bối cảnh Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 31/1, Thủ tướng Johnson đang phải đối mặt với những thách thức thực sự của khẩu hiệu "nước Anh toàn cầu" mà ông thường sử dụng gần đây. Phát biểu hồi tháng 7, ông Johnson kêu gọi Anh "khôi phục vai trò tự nhiên và lịch sử như một nước Anh toàn cầu, mở cửa dám nghĩ dám làm thực sự, độ lượng và hòa nhập với thế giới".
Tuy nhiên, kể từ khi quay trở lại Quốc hội vào năm nay, những chướng ngại vật trong mối quan hệ với bạn bè và đối thủ cho nước Anh trong kỷ nguyên hậu Brexit, đang ngày càng rõ ràng. Anh buộc phải phản ứng trước vụ tướng Iran Qassem Soleimani bị Mỹ ám sát. London cũng khiến Washington bất mãn khi áp dụng thuế dịch vụ điện tử và khả năng sẽ chấp nhận tập đoàn Trung Quốc Huawei trong các dự án xây dựng mạng lưới 5G tại Anh.
Hôm thứ năm (23/1), áp lực phải tham dự lễ diễu hành tại Moscow gia tăng khi Tổng thống Putin đề xướng một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Anh trong năm 2020 "bởi vì chúng ta đang kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến thứ hai". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xác nhận sẽ tham gia sự kiện. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, ông đánh giá cao lời mời, còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nhận được lời mời từ Điện Kremlin.
Một nhân vật có liên hệ với vấn đề tiết lộ, khả năng ông Johnson tham dự đang được cân nhắc một cách cẩn trọng. Chính phủ Anh cũng xem xét tới việc một thành viên gia đình hoàng gia có thể có mặt.
Tuần trước, Thủ tướng Anh đã gặp Tổng thống Nga tại Berlin bên lề một hội nghị bàn về xung đột Libya. "Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy nhiều thêm điều đó… các cuộc thảo luận cấp cao", người trên nói. "Đấy không phải là một mối quan hệ dễ dàng… nhưng họ [Nga] là một cường quốc".
Tuy nhiên, một thông cáo từ Phố Downing lại thể hiện một thái độ có phần căng thẳng hơn. "Sẽ không có bình thường hóa quan hệ song phương cho tới khi Nga kết thúc hành động gây bất ổn đe dọa tới Anh và các đồng minh, cũng như phá hoại an toàn của các công dân và nền an ninh tập thể của chúng tôi", một phát ngôn viên tuyên bố.
Quan hệ Anh – Nga bắt đầu xói mòn từ năm 2006 sau cái chết của cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko tại London. Chính quyền Anh nói ông Litvinenko bị Nga ám sát nhưng Moscow kiên quyết phủ nhận mọi liên quan trong cả trường hợp này và vụ việc điệp viên Sergei Skripal năm 2018.
Xung đột giữa Nga với Georgia năm 2008 và quyết định sáp nhập Crimea từ Ukraine, càng khiến tình hình trở nên xấu hơn, đồng thời dẫn tới lệnh trừng phạt của EU, Mỹ và các nước phương Tây dành cho Moscow.
Trong năm 2019, Tổng thống Pháp Macron đã có nhiều nỗ lực để tái hâm nóng quan hệ với người đồng cấp Putin. Ông Macron cũng làm trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris hồi tháng 12. Trong khi đó, bà Merkel – đối tác EU quan trọng nhất của ông Putin trong một thập kỷ qua cũng đã có chuyển công du tới Moscow trong tháng 1 để thảo luận về tình hình Trung Đông.
Mặc dù vậy, bất kỳ nỗ lực nào hàn gắn quan hệ với Moscow đều vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ các nước đông Âu như Ba Lan và các nước Baltic. Những quốc gia này cho rằng, Điện Kremlin đang cố gắng chia rẽ châu Âu thông qua nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả cung cấp khí đốt tự nhiên.
Chuyến thăm Nga cuối cùng của ông Johnson là vào tháng 12/2017 trong vai trò Ngoại trưởng Anh. Khi đó, ông đã khiến nước chủ nhà thất vọng khi miêu tả Nga là "một quốc gia đóng cửa, sai trái, mang tính quân sự và phi dân chủ" trong một cuộc phỏng vấn.
Giới chức Anh xác nhận họ đã nhận được thư mời tham dự lễ diễu hành tháng 5 từ Moscow và cho biết, chính phủ đang tìm hiểu thêm về tính chất sự kiện. Một phát ngôn viên của ông Putin nói, Điện Kremlin đã gửi thư mời tới Thủ tướng Johnson nhưng chưa nhận được hồi đáp.