Chi tiêu tiêu dùng giảm gây thêm áp lực lên Ngân hàng trung ương Nhật Bản

Theo một quan chức Bộ Nội vụ Nhật Bản, các hộ gia đình có thể cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, thay thế các sản phẩm đắt tiền như thịt bò bằng những lựa chọn rẻ hơn như thịt gà.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ, chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản giảm trong tháng Chín, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, khi đà tăng giá hàng hóa làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Đây là thách thức không nhỏ đối với kế hoạch tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Dữ liệu thống kê cho thấy chi tiêu tiêu dùng tháng Chín giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo giảm 2,1% của thị trường. Trên cơ sở so sánh tháng, chi tiêu tháng Chín giảm 1,3% so với tháng Tám, lớn hơn so với dự báo chỉ giảm 0,7%.

Ông Takeshi Minami, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, cho rằng có những đợt tăng trưởng tiêu dùng tạm thời, nhưng không kéo dài lâu khi chi phí sinh hoạt cao, và người dân có thói quen tiết kiệm.

Theo một quan chức Bộ Nội vụ Nhật Bản, các hộ gia đình có thể cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, thay thế các sản phẩm đắt tiền như thịt bò bằng những lựa chọn rẻ hơn như thịt gà.

Chi tiêu tiêu dùng trung bình trong quý III/2024 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Chi tiêu tiêu dùng và tiền lương là hai yếu tố quan trọng mà BoJ đang theo dõi sát sao để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và đưa ra quyết định về thời điểm nâng lãi suất.

Bên cạnh đó, sự yếu đi của đồng yen, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, có thể tác động đến tiêu dùng do giá hàng nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, nếu đồng yen tiếp tục giảm mạnh, BoJ có thể sẽ phải đối mặt với sức ép tăng lãi suất.

BoJ đã giữ nguyên lãi suất cực thấp vào ngày 31/10 và cho biết những rủi ro xung quanh nền kinh tế Mỹ đã phần nào giảm bớt, báo hiệu rằng các điều kiện đã sẵn sàng để tăng lãi suất trở lại. Tuy nhiên, nếu nhu cầu trong nước và toàn cầu yếu kéo dài có thể làm chậm kế hoạch của BoJ trong việc dừng hoàn toàn chính sách tiền tệ nới lỏng sau một thập kỷ.

Nhật Bản dự kiến sẽ công bố dữ liệu sơ bộ về GDP quý III/2024 vào ngày 15/11 tới. Theo một cuộc khảo sát của Reuters, kinh tế Nhật Bản có thể tăng trưởng chậm lại do tiêu dùng giảm sút và đầu tư vốn yếu.

Chính phủ Nhật Bản ngày 1/11 đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tài khóa hiện tại do xuất khẩu yếu hơn cản trở sự phục hồi kinh tế còn mong manh.

Văn phòng Nội các Nhật Bản đã hạ dự báo tăng trưởng GDP sau khi điều chỉnh theo lạm phát cho tài khóa kết thúc vào tháng 3/2025 từ mức dự kiến 0,9% đưa ra vào tháng 7/2024 xuống 0,7%. Con số này vẫn cao hơn mức dự báo tăng trưởng 0,5% của khu vực tư nhân.

Trà My (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chi-tieu-tieu-du-ng-gia-m-gay-them-a-p-lu-c-len-ngan-ha-ng-trung-uong-nha-t-ba-n/352778.html
Zalo