Chỉ tiêu phòng, chống ma túy cần khả thi và có thể thực hiện được

Thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn) về dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Ngoài ra, cần giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xây dựng mô hình phòng, chống ma túy thì sẽ phù hợp với thực tế, bảo đảm hiệu quả.

 ĐBQH Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) phát biểu điều hành phiên thảo luận tại Tổ 12 điều hành phiên họp tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) phát biểu điều hành phiên thảo luận tại Tổ 12 điều hành phiên họp tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

"Giảm cung" và "giảm cầu" một cách bền vững

Các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Theo các đại biểu, giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện.

Song thực tế cho thấy, dù được đầu tư nhiều ngân sách để thực hiện, nhưng tình hình ma túy trong nước vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm, gây tác hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, sức khỏe của con người.

Do đó, việc thông qua chủ trương đầu tư Chương trình đến năm 2030 là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về phòng, chống, kiểm soát ma túy, bảo đảm quyền con người, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống này, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân.

 ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Tại điểm c khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định một số chỉ tiêu đạt ở mức tuyệt đối, như 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu phát hiện, triệt phá; 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá.

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu ý kiến, việc đặt ra các chỉ tiêu ở mức tuyệt đối 100% liệu có quá cao và khó thực hiện hay không? Và, để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình thì việc bố trí nguồn lực để thực hiện có đủ bảo đảm hay không?

Chỉ tiêu của Chương trình đã đề ra, thì phải có tính khả thi trong thực tiễn và phải thực hiện được. Lưu ý vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình, cân nhắc việc đặt ra các chỉ tiêu hợp lý, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Cần bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ tái nghiện

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng đề nghị cần đưa thêm chỉ tiêu giảm tỷ lệ tái nghiện. Bởi qua thực tiễn cho thấy, quá trình đánh giá, rà soát phát hiện người nghiện đưa đi cai nghiện rất tốn kém, nhưng tỷ lệ tái nghiện cao. Những người đi cai nghiện các trung tâm quyết tâm rất cao nhưng khi về rất dễ tái nghiện.

Do đó, cần đưa thêm chỉ tiêu này vào dự thảo Nghị quyết, từ đó có hoạt động phòng, chống tái nghiện, tạo ra môi trường để khi người cai nghiện về địa phương không bị kỳ thị, tạo công ăn việc làm. Nếu làm được điều này thì các mục tiêu đề ra sẽ đạt được, giúp giảm cung và giảm cầu một cách bền vững, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

 ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đồng tình với quan điểm trên, các ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Trần Quang Minh (Quảng Bình)... cho rằng, công tác vận động đi cai nghiện tập trung đã khó, nhưng sau khi cai nghiện xong, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn rất cao.

Theo đại biểu Trần Quang Minh, cần giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương xây dựng mô hình phòng, chống ma túy tại khu dân cư thì sẽ phù hợp với thực tế công tác cai nghiện nói riêng cũng như phòng, chống ma túy nói chung.

 ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Về triển khai thực hiện Chương trình, các đại biểu đều cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Hiện nay, công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động là giải pháp căn bản; muốn không có tệ nạn ma túy thì gia đình, nhà trường, xã hội phải cùng vào cuộc.

Do đó, cơ quan chủ trì, xây dựng Chương trình cần nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình cho các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động để toàn dân tham gia phòng, chống ma túy bằng ý thức tự giác.

Cùng với đó, cần rà soát, kịp thời khen thưởng các cá nhân trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Chính phủ sớm chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, bảo đảm chất lượng, phù hợp, kịp thời và hiệu quả.

Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chi-tieu-phong-chong-ma-tuy-can-kha-thi-va-co-the-thuc-hien-duoc-post395802.html
Zalo