Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2022
Chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2022, nhờ tiền lương tăng, đặc biệt là tiền thưởng.
![Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_324_51418866/e8b9727a4b34a26afb25.jpg)
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, trong tháng 12/2024 chi tiêu hộ gia đình đã điều chỉnh theo lạm phát tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng vượt dự báo, nâng mức tăng trong ba tháng lên 0,5%. Đặc biệt, chi tiêu cho nhà ở tăng mạnh 15,8%, trong khi chi tiêu cho giao thông, truyền thông và y tế cũng tăng.
Mặc dù kết quả này tích cực, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng chi tiêu có thể không bền vững vì phần lớn là do tác động tạm thời của tiền thưởng. Việc người dân chi tiêu chậm lại trong thời gian gần đây vẫn là một thách thức lớn, khi lạm phát còn ở mức cao, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu như gạo tăng vọt.
Chuyên gia kinh tế Taro Saito tại NLI Research Institute nhận định rằng môi trường thu nhập đang cải thiện, nhưng mức tiêu dùng của người dân vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. Các yếu tố như chi tiêu cho nhà ở chiếm tỷ trọng lớn có thể chỉ là tạm thời.
Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 12/2024 dấy lên suy đoán rằng khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục nâng lãi suất, làm đồng yen mạnh lên so với đồng USD. BoJ đã tăng lãi suất vào tháng trước một phần vì họ đánh giá rằng các cuộc đàm phán tiền lương mùa Xuân giữa các công ty và công đoàn đang hướng tới kết quả khả quan, tương tự như năm ngoái.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng đang thúc giục doanh nghiệp tăng lương để hỗ trợ các hộ gia đình, đồng thời giải quyết vấn đề lạm phát thông qua trợ cấp giá năng lượng tạm thời và hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Chính phủ Nhật Bản cũng đang đàm phán với các đảng đối lập để đẩy mạnh hỗ trợ cho người dân, bao gồm việc tăng cường miễn thuế thu nhập và mở rộng giáo dục miễn phí.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg đã đưa ra dự báo rằng chi tiêu tiêu dùng có khả năng giảm xuống 0,5% trong thời gian tới và tăng trưởng kinh tế thực sẽ suy giảm nhẹ trong năm 2024, chủ yếu là do chi tiêu yếu. Dữ liệu mới công bố cho thấy chi tiêu thực tế đã giảm 1,1% trong năm 2024.