Chi tiết việc tổ chức ngành kiểm sát sau khi tinh gọn, sắp xếp lại
Ngành kiểm sát nhân dân sẽ không tổ chức VKSND cấp cao, thay vào đó là các VKS xét xử phúc thẩm.
VKSND Tối cao vừa ban hành kế hoạch về việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; vấn đề sắp xếp biên chế, kiểm sát viên của VKSND.
Theo kế hoạch được ban hành, từng nội dung cụ thể đã được nêu ra để các đơn vị được phân công nhanh chóng thực hiện.
Kết thúc hoạt động của 3 VKSND Cấp cao
Ba VKSND Cấp cao hiện nay sẽ kết thúc hoạt động, thay vào đó là thành lập ba Viện Công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (Viện phúc thẩm) trực thuộc VKSND tối cao.
Trong tổ chức bộ máy của ba Viện phúc thẩm mới sẽ có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên và công chức khác (tương đương các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao). Về tên gọi sẽ được đặt tên theo số thứ tự: Viện phúc thẩm 1 đặt tại Hà Nội và chung trụ sở làm việc với VKSND tối cao, Viện phúc thẩm 2 đặt tại Đà Nẵng, trụ sở làm việc của VKSND cấp cao 2, Viện phúc thẩm 3 đặt tại TP.HCM, trụ sở làm việc của VKSND cấp cao 3.

Trụ sở mới của VKSND Cấp cao tại TP.HCM sẽ được bố trí làm trụ sở của Viện Công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 3 tại TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH
Về biên chế và nhân sự được bố trí theo hướng: Kiểm sát viên cao cấp và một số Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, công chức khác về công tác tại các đơn vị VKSND Tối cao (Viện phúc thẩm và các Vụ nghiệp vụ). Số Kiểm sát viên và công chức khác còn lại về VKSND cấp tỉnh, để VKSND cấp tỉnh bố trí, phân công.
Về hồ sơ, tài liệu các vụ án đang giải quyết: Đối với các vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh mà VKSND cấp cao đã, đang giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì bàn giao cho VKSND cấp tỉnh theo địa bàn phụ trách.
Đối với các vụ án đang được xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao mà VKSND cấp cao đã, đang giải quyết thì chuyển hồ sơ, tài liệu bàn giao cho các Vụ thuộc VKSND tối cao.
Thành lập các VKSND khu vực
VKSND cấp huyện sẽ dừng hoạt động và cơ cấu lại thành 355 VKSND khu vực tương ứng với TAND khu vực. Tên gọi VKSND khu vực theo số thứ tự; trụ sở VKSND khu vực 1 đặt cùng nơi đặt trụ sở VKSND tỉnh mới sau sáp nhập, tương ứng với TAND khu vực 1 (ví dụ: VKSND khu vực 1, tỉnh Hưng Yên).
Về nhân sự của VKSND khu vực, VKSND cấp tỉnh sẽ tiến hành họp, đánh giá và đề xuất bổ nhiệm Viện trưởng VKSND khu vực theo dựa vào các tiêu chí: Phải là người có phẩm chất, trách nhiệm, uy tín, năng lực thật sự tiêu biểu, nổi trội, tốt nhất trong số các Viện trưởng VKSND cấp huyện, Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh. Trong đó, bảo đảm còn đủ tuổi công tác ít nhất 05 năm (nam sinh từ tháng 4/1968; nữ sinh từ tháng 01/1972 trở lại đây). Đồng thời ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; cán bộ trong diện quy hoạch; cán bộ đã tham gia cấp ủy hoặc người có trình độ về công nghệ thông tin.
Những Viện trưởng VKSND cấp huyện không được bố trí làm Viện trưởng VKSND khu vực hoặc Trưởng phòng thì bố trí làm Phó Viện trưởng khu vực hoặc Phó Trưởng phòng. Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện đương nhiệm thì bố trí làm Phó Viện trưởng VKSND khu vực.
Về nhân sự và hồ sơ tài liệu của các VKSND cấp huyện sẽ được chuyển giao về VKSND khu vực để tiếp tục hoạt động.
Không bố trí Viện trưởng VKSND cấp tỉnh mới là người địa phương
Đối với VKSND cấp tỉnh sẽ được đặt tên và trụ sở chính theo tên gọi, nơi đặt trụ sở trung tâm hành chính của tỉnh mới sau sáp nhập. Tổ chức làm việc tập trung tại trụ sở VKSND cấp tỉnh mới sau sáp nhập.
Viện trưởng VKSND cấp tỉnh mới sau khi sáp nhập sẽ được lựa chọn, đánh giá theo tiêu chí phải là người có năng lực lãnh đạo, quản lý giỏi; trách nhiệm, uy tín cao, thật sự tiêu biểu, nổi trội, tốt nhất trong số Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đương nhiệm. Bảo đảm còn đủ tuổi công tác ít nhất 05 năm (nam sinh từ tháng 9/1968; nữ sinh từ tháng 5/1972 trở lại đây), trường hợp tái cử tham gia cấp ủy cấp tỉnh thì còn đủ 4 năm công tác. Có ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; cán bộ trong diện quy hoạch; cán bộ đã tham gia cấp ủy và gắn với việc thực hiện chủ trương không bố trí Viện trưởng là người địa phương.
Những Viện trưởng VKSND cấp tỉnh không được bố trí làm Viện trưởng VKSND cấp tỉnh sau sáp nhập và những Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đương nhiệm thì bố trí làm Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh sau sáp nhập.
Những Trưởng phòng không được bố trí làm Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh sau sáp nhập hoặc Viện trưởng VKSND khu vực và những Phó Trưởng phòng đương nhiệm thì bố trí làm Phó Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh sau sáp nhập.
Giữ nguyên phụ cấp chức vụ
Phụ cấp chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng VKSND cấp tỉnh sau sáp nhập thực hiện như phụ cấp hiện hưởng.
Phụ cấp chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND khu vực thực hiện như phụ cấp hiện hưởng đối với chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện và theo địa bàn sau sáp nhập.
Những trường hợp thôi giữ chức vụ cấp trưởng để bổ nhiệm giữ chức vụ cấp phó thì được bảo lưu phụ cấp cấp trưởng theo quy định.