Chi tiết về xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp sau sắp xếp bộ máy
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp bộ máy không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp lại hồ sơ đã nộp hoặc thực hiện lại thủ tục hành chính đã làm trước sắp xếp…
Sáng 19-2, với đa số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Nghị quyết có 15 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày Quốc hội thông qua (tức hôm nay 19-2) và có hiệu lực đến hết ngày 28-2-2027, trừ một số quy định tại khoản 1 Điều 3, khoản 3 Điều 4 và khoản 3 Điều 11 của Nghị quyết này.
Sau sắp xếp bộ máy, thủ tục hành chính phải thông suốt
Nghị quyết quy định chi tiết là nhằm đảm bảo công việc của các cơ quan sau khi sau khi sắp xếp được thông suốt, các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được đảm bảo, không được đình trệ.
Theo đó, nghị quyết yêu cầu trường hợp có sự thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền công bố thủ tục hành chính phải thực hiện ngay việc điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính đã được điều chỉnh theo quy định.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn.
“Không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp; không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp” - Nghị quyết nêu và chỉ rõ cơ quan sau sắp xếp phải có trách nhiệm thông báo công khai thông tin, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục này.
Văn bản, giấy tờ trước sắp xếp bộ máy vẫn có hiệu lực
Nghị quyết cũng chỉ rõ văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
Nghị quyết cũng chỉ rõ không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn được áp dụng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành hoặc liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà sau khi sắp xếp không xác định được cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ văn bản.
Về rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động do sắp xếp bộ máy, Nghị quyết yêu cầu phải thực hiện trong thời hạn ba tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Cơ quan, người có thẩm quyền phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các văn bản chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm hoàn thành trước ngày 1-3-2027.
Không duy trì số lượng cấp phó nhiều hơn quy định quá 5 năm
Theo quy định tại Nghị quyết, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền đã quy định tại các văn bản được chuyển đổi theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Ngoài ra, theo khoản 3, điều 11, Nghị quyết quy định không bắt buộc ban hành văn bản chỉ để xử lý nội dung về tên gọi của các cơ quan, chức danh có thẩm quyền bị thay đổi do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.