Chi tiết tỷ số giới tính khi sinh ở các tỉnh, thành nước ta và nỗ lực đưa về mức cân bằng tự nhiên
Số liệu công bố mới nhất cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính chủ yếu diễn ra ở các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra), đặc biệt là các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tỷ số giới tính khi sinh (Sex Ratio at Birth - SRB) là chỉ tiêu nhân khẩu học phản ánh sự cân bằng giới tính trẻ em trai và trẻ em gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. SRB cao hơn 106 bé trai/100 bé gái cho thấy tỷ số giới tính khi sinh có sự khác biệt với mức sinh học bình thường và phản ánh những can thiệp có chủ ý trên khía cạnh về giới.
Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu. Trên thực tế, vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã tồn tại từ lâu và được phát hiện qua các cuộc điều tra biến động dân số hằng năm, kể từ năm 2007 đến nay.
Báo cáo Quốc gia về đăng ký và Thống kê Hộ tịch giai đoạn 2021– 2024 vừa được công bố cho thấy, theo hồ sơ đăng ký khai sinh, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam từ năm 2021 đến nay đều cao hơn mức cân bằng trung bình khá nhiều; hơn nữa, tỷ số này trong 2 năm gần đây vẫn có xu hướng tăng.
Năm 2021, SRB của Việt Nam là 109,5 bé trai/100 bé gái. Con số này đến năm 2023 là 109,7 bé trai/100 bé gái và đến năm 2024 thì tiếp tục tăng và đạt mức 110,7 bé trai/100 bé gái.
Tình trạng mất cân bằng giới tính chủ yếu diễn ra ở các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra), đặc biệt là các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
+ Giai đoạn 2021 - 2024, vùng Đồng bằng sông Hồng có 10 trên 11 tỉnh có SRB lớn hơn 110 (bé trai/100 bé gái); một số tỉnh có SRB cao nhất của cả nước là Bắc Ninh (119,6), Vĩnh Phúc (118,5), Hà Nội (118,1), Hưng Yên (116,7).
+ Một số tỉnh khác thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng có tỷ số này khá cao, hầu hết đều trên 109 (bé trai/100 bé gái), điển hình trong số đó là: Bắc Giang (116,3), Sơn La (115,0), Lạng Sơn (114,5), Phú Thọ (113,6).
Ở các tỉnh khu vực phía Nam (từ Thừa Thiên Huế trở vào) tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gần như không đáng kể. SRB ở các tỉnh khu vực này ở mức bằng hoặc chỉ cao hơn mức cân bằng một chút (tương ứng khoảng từ 105 đến 108 bé trai/100 bé gái).


Tỷ số giới tính khi sinh theo tỉnh/thành phố giai đoạn 2021 - 2024.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, một trong những giải pháp để cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là nghiên cứu thực hiện các chính sách tập trung nhiều hơn ở khu vực phía Bắc, thay vì đầu tư diện rộng trên khắp cả nước.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Nỗ lực đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và có tờ trình gửi Chính phủ về việc đề nghị xây dựng Luật Dân số.
Dự án Luật Dân số dự kiến được Chính phủ xem xét tại kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật vào năm 2025. Nếu được Chính phủ thông qua, dự kiến dự án luật được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 năm 2025 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 năm 2025.
Dự thảo Luật Dân số tập trung vào các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng để đảm bảo quy mô dân số hợp lý và thích ứng với quá trình già hóa dân số.
Trong đó, dự kiến quy định "cho phép cặp vợ chồng, cá nhân quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh".
Thứ hai, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên nhằm giảm thiểu những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với kinh tế, xã hội.
Thứ ba, nâng cao chất lượng dân số về thể chất ngay từ giai đoạn đầu đời thông qua tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát trước sinh và sơ sinh để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.

Bộ Y tế xây dựng các giải pháp khống chế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.
Về chính sách giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, theo Bộ Y tế, mục tiêu của chính sách là: Xây dựng các giải pháp khống chế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần khắc phục những hệ lụy về xã hội và nhân khẩu học do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra, thúc đẩy bình đẳng giới.
Nội dung chính sách cụ thể:Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi;
Quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường;
Hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái;
Sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm;
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Bộ Y tế đánh giá, chính sách về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên sẽ tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên...