Chỉ thị 42-CT/TW đã khẳng định vai trò của VUSTA trong việc tập hợp trí thức KH&CN

PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định, sự ra đời của Chỉ thị số 42-CT/TW là một dấu mốc quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của VUSTA.

Ngày 21/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VUSTA) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Dấu mốc quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của VUSTA

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch VUSTA nêu rõ: Sự ra đời của Chỉ thị số 42-CT/TW là một dấu mốc quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của VUSTA. Chỉ thị đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của VUSTA trong việc tập hợp trí thức khoa học và công nghệ phục vụ phát triển đất nước, đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tạo tiền đề cho sự phát triển của VUSTA.

PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để VUSTA từng bước củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức. Từ 125 hội thành viên năm 2010 đến nay VUSTA đã có 156 hội thành viên. Chỉ thị số 42-CT/TW đã tạo điều kiện phát triển, giúp VUSTA đạt được nhiều kết quả hoạt động trên tất cả các mặt: Phát triển tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Linh, thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam đã cơ cấu lại bộ máy hoạt động (1 Văn phòng và 3 Ban chuyên môn), chủ động đề xuất và thực hiện các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội; tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ được triển khai theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú; chủ động tìm các nguồn kinh phí để tăng cường xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu; hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức được đổi mới về nội dung và hình thức triển khai với những kiến thức đa dạng, phong phú ở khắp các lĩnh vực; hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tiếp tục duy trì, kế thừa và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế mà VUSTA là thành viên.

Chỉ thị số 42-CT/TW góp phần nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN

Theo TS Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế VUSTA, Chỉ thị số 42-CT/TW là văn bản quan trọng nhất, hiệu quả nhất đối với VUSTA từ khi thành lập đến nay. Chỉ thị này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng tổ chức và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống VUSTA; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ của VUSTA, đặc biệt là của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập; góp phần xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, y tế…

TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế trình bày tham luận.

TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế trình bày tham luận.

TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng, cùng với Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 42-CT/TW được dư luận xã hội và đội ngũ trí thức đánh giá rất cao, qua đó cho thấy với sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tập hợp trong tổ chức đại diện của họ là VUSTA. Theo TS Phạm Văn Tân, Chỉ thị số 42-CT/TW đã góp phần nâng cao vị thế của VUSTA trong hệ thống chính trị nước ta.

TS Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch VUSTA.

TS Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch VUSTA.

Tại hội thảo, TS Phan Tùng Mậu - nguyên Phó Chủ tịch VUSTA cho rằng, VUSTA là đại diện cho lực lượng trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, thực hiện vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của trí thức KH&CN.

 TS. Phan Tùng Mậu - nguyên Phó Chủ tịch VUSTA.

TS. Phan Tùng Mậu - nguyên Phó Chủ tịch VUSTA.

Do vậy, mục tiêu của VUSTA trong 5 năm tới là xây dựng VUSTA thực sự là tổ chức đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam; có vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của trí thức KH&CN của MTTQVN; củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức liên hiệp hội từ Trung ương đến tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bà Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện VUSTA kiến nghị, thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần ban hành một chỉ thị mới về VUSTA trên tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của VUSTA.

Bà Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện nêu kiến nghị tại hội thảo.

Bà Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện nêu kiến nghị tại hội thảo.

Bà Tuyến cũng bày tỏ mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và sớm thông qua Luật về các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cùng với các Luật Phổ biến kiến thức, Luật Kỹ sư hành nghề để bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của VUSTA, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chi-thi-42-cttw-da-khang-dinh-vai-tro-cua-vusta-trong-viec-tap-hop-tri-thuc-khcn-2098845.html
Zalo