Chỉ sửa đổi những điều, khoản phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Sáng 26.4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Bám sát yêu cầu về tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy
Trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành liên quan đến xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã; vai trò tham gia của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thi hành Luật.
Trong đó, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện thay thế bằng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND xã; sửa đổi quy định HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương…
Ngoài ra, về việc bổ sung nội dung phân cấp, Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng được sửa đổi trong Kỳ họp thứ Chín sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Hồ Long
Liên quan đến việc xử lý đối với các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi sắp xếp tổ chức, bộ máy, dự thảo Luật bổ sung khoản 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 72 của Luật để xử lý văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành và hoàn thành việc xử lý trước ngày 1.3.2027.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định, HĐND, UBND cấp xã được ban hành văn bản hành chính để lựa chọn việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định HĐND cấp xã, UBND cấp xã không được quy định hiệu lực trở về trước.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cũng nêu rõ, tại dự thảo Luật bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời sửa kỹ thuật 6 điều…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra tóm tắt về dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Báo cáo thẩm tra tóm tắt về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban và các cơ quan tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như nêu trong Tờ trình, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực khẩn trương của Chính phủ và Cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật; tán thành với việc xây dựng Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn; hồ sơ dự án Luật bảo đảm đầy đủ, gửi đúng thời hạn quy định.
Về nội dung văn bản của HĐND, UBND, điểm c khoản 1 Điều 21 và khoản 2 Điều 22 của Luật hiện hành được đề xuất bổ sung thẩm quyền HĐND cấp tỉnh, cấp xã ban hành nghị quyết để quy định “phân cấp”, UBND cấp xã ban hành quyết định để “phân cấp”.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, việc phân cấp chỉ đặt ra đối với hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, đề nghị lược bỏ quy định nêu trên để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Có ý kiến đề nghị không quy định UBND cấp xã có thể “phân cấp” cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác trực thuộc, vì chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân nên cần trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tại khoản 2 Điều 57 của Luật hiện hành quy định về việc duy trì hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, văn bản quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành vẫn còn phù hợp nhằm giảm tải cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính ổn định trong việc áp dụng văn bản. Dự thảo Luật đã chia hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thành 2 trường hợp, trong đó thay cụm từ “không trái” thành “không phù hợp”, bỏ quy định về hiệu lực đối với nội dung “quy định biện pháp cụ thể để tổ chức hướng dẫn thi hành văn bản”; bỏ quy định “trừ trường hợp được công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần”.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực nên chưa đủ thời gian đánh giá phù hợp hay không phù hợp để đề xuất sửa đổi nội dung này.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Luật cũng không quy định đối với các văn bản “quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành” thì phải xử lý như thế nào khi văn bản quy phạm pháp luật được hướng dẫn hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần.
Trong khi đó, dự thảo Luật đã loại bỏ quy định “trừ trường hợp được công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần” là đã loại trừ quyền và trách nhiệm của các chủ thể ban hành hoặc chủ thể có thẩm quyền trong việc bãi bỏ văn bản đã quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật.
Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về việc “công bố” văn bản hết hiệu lực, trong khi đó đây là quy định rất cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, để người dân biết, thực hiện và thuận lợi cho công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Từ những phân tích nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ lý do đề xuất sửa đổi các nội dung nêu trên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Cần giữ quy định thành lập Hội đồng thẩm định
Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đề xuất những nội dung sửa đổi phù hợp với tình hình mới.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Dù dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung không nhiều quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, song Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đề nghị, những nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, buộc phải sửa mới tiến hành sửa đổi, bổ sung. “Những nội dung không cần sửa ngay mà vẫn thực hiện được sẽ không đưa ra sửa đổi lần này, chỉ sửa những vấn đề buộc phải sửa đổi”, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đề nghị.
Về việc bổ sung thẩm quyền HĐND cấp tỉnh, cấp xã ban hành nghị quyết để quy định “phân cấp”, UBND cấp xã ban hành quyết định để “phân cấp”, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Lê Thị Nga cho rằng, quy định này là chưa thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nên cần được lược bỏ để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
So với Luật hiện hành, Chính phủ đề xuất bỏ quy định về thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định chính sách do Bộ Tư pháp đề xuất, dự án do Bộ Tư pháp soạn thảo hoặc trong trường hợp cần thiết. Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga nhận thấy, mô hình này đang phát huy hiệu quả tốt, vì thế không nên bỏ quy định về thành lập Hội đồng thẩm định như dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ động, nỗ lực phối hợp với các cơ quan có liên quan trong chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng kế hoạch đề ra. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu tiến hành thẩm tra. Báo cáo thẩm tra thể hiện đầy đủ, toàn diện, nêu rõ quan điểm về từng nội dung.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nguyên tắc chung là chỉ sửa những điều, khoản bắt buộc phải sửa để phục vụ công việc sắp xếp, đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.