Chi phí khai thác cát bằng công nghệ hút cao hơn dùng xáng cạp
Hiện, chủ đầu tư yêu cầu có mức giá cát thống nhất khi khai thác bằng tàu hút và xáng cạp. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, khai thác bằng tàu hút chi phí cao hơn nên cần được duyệt mức giá cao hơn.
Bắt đầu tư ngày 21/12, nhiều doanh nghiệp tăng tiến độ khai thác cát sông Hậu tại Sóc Trăng để phục vụ dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
"Chúng tôi tập trung đẩy nhanh tiến độ khai thác cát phục vụ dự án trọng điểm quốc gia. Bình quân mỗi ngày, công ty khai thác khoảng 1.850m3 cát và dự kiến hai tuần nữa sẽ nâng lên 2.750m3/ngày khi được nâng đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Nếu Sở Tài nguyên và Môi trường nâng thêm ĐTM, chúng tôi có thể tăng tàu hút để khai thác 5.000m3/ngày", lãnh đạo Công ty TNHH TM-DV Hòa Tuấn khẳng định.
Chưa thống nhất giá cát
Tại mỏ cát thương mại MS01, doanh nghiệp được gia hạn giấy phép khai thác mỏ này đã ký hợp đồng với các đơn vị thi công Dự án thành phần 4 là đơn giá cát khai thác xáng cạp 81.950 đồng/m3.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Công ty Cổ phần Bê tông Cửu Long, đơn giá sử dụng xáng cạp là 132.593 đồng/m3 (bao gồm VAT) tính từ ngày 15/8/2024 trở về sau.
Mỏ cát thương mại MS04, Công ty TNHH TM-DV Hòa Tuấn đề nghị giá cát tạm tính tại mỏ khi sử dụng công nghệ tàu hút là 136.876 đồng/m3.
Với mỏ cát nhà thầu được giao trực tiếp (không phải thương mại) là MS03, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP đề nghị tạm tính theo đơn giá sử dụng tàu hút là 136.876 đồng/m3; mỏ MS12 theo giá đề nghị tạm tính của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (sử dụng xáng cạp) cũng lên đến 132.260 đồng/m3.
Như vậy, các doanh nghiệp đề xuất nhiều giá cát khác nhau khi thực hiện việc khai thác bằng hai công nghệ là dùng tàu hút và xáng cạp. Trong khi đó, phía chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 2 Sóc Trăng yêu cầu làm rõ vì sao chưa thống nhất giá cát mà có đề xuất giá khác nhau?
Trước đó, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cũng yêu cầu các sở, ngành và chủ đầu tư Dự án thành phần 4 khẩn trương xin ý kiến bộ, ngành Trung ương để chốt giá cát chính thức đối với công nghệ xáng cạp và hút.
Dùng tàu hút, chi phí cao hơn
Chia sẻ về việc khai thác cát tại mỏ MS04, ông Võ Minh Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH TM-DV Hòa Tuấn cho rằng, khai thác cát bằng tàu hút có giá thành cao hơn công nghệ xáng cạp. Cát sau khi hút lên từ sông Hậu, doanh nghiệp phải đưa lên sàng rửa tạp chất rồi bơm sang mạn qua tàu xả tràn.
Sau những công đoạn này, cát được rửa hết tạp chất, bùn, đất và cát non. Để đủ điều kiện phục vụ cho Dự án thành phần 4, cát tiếp tục được bơm qua sà lan rồi công nhân bơm nước ngọt từ sông Hậu lên để rửa tiếp lần hai trước khi chở vào công trình.
"Mỏ thương mại khác, doanh nghiệp dùng phương pháp cạp là phù hợp vì cát nhiều và đẹp, chi phí thấp vì chỉ cần thả gàu cạp xuống nước rồi kéo lên là có cát. Phương án hút tại mỏ MS04 là dành cho những mỏ cát lẫn phù sa và tạp chất, phải qua rất nhiều công đoạn.
Trong đó, riêng chi phí hút rửa từ 60.000 đồng/m3 trở lên. Việc tuyển rửa để mang được hạt cát vào công trình đối với mỏ MS04 rất vất vả", ông Võ Minh Dũng nói.
Theo ông Dũng, giá cát tạm tính tại mỏ MS04 được khai thác bằng công nghệ hút là 121.560 đồng/m3 (chưa bao gồm VAT). Giá này được doanh nghiệp tính theo hướng dẫn từ Văn bản số 1545, ngày 10/6/2024 của Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông vận tải.
Với mỏ cát MS04, doanh nghiệp tính được gần 20 loại chi phí với tổng số tiền trên 520 tỷ đồng. Số tiền này chia cho trữ lượng cát được phép khai thác (trên 4,2 triệu m3) sẽ có giá đề xuất tạm tính.
Hiện, Công ty TNHH TM-DV Hòa Tuấn xuất hóa đơn bán cát tại mỏ cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP và Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam cùng đơn giá 124.433 đồng/m3 (chưa VAT).
Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, đi qua bốn tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, được khởi công ngày 17/6/2023. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57km, Cần Thơ gần 38km, Hậu Giang khoảng 37km và Sóc Trăng hơn 56km.
Tuyến đường này có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Giai đoạn một, dự án làm trước 4 làn, rộng 17m, cho xe chạy 80km/h. Hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027.