Chi Lăng, Hữu Lũng tập trung hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Chi Lăng, Hữu Lũng là các huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, để người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn hai huyện đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Theo thống kê sơ bộ đến sáng 12/9, ước tính tổng thiệt hại trên địa bàn 2 huyện là trên 150 tỷ đồng (trong đó huyện Chi Lăng khoảng 62 tỷ đồng, huyện Hữu Lũng trên 88 tỷ đồng). Huyện Chi Lăng có 1 người tử vong, 1 người bị thương; có khoảng 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở; thiệt hại 1.500 ha hoa màu; 13 trường học có công trình bị sập, hỏng… Huyện Hữu Lũng có 1 người bị thương; có 261 nhà ở, 170 công trình phụ và 24 chuồng trại bị tốc mái; thiệt hại trên 800ha lúa và trên 300ha hoa màu, trên 2.000ha cây lâm nghiệp… Tính đến sáng 12/9, tại 2 huyện vẫn còn trên 600 hộ bị cô lập do nước lũ.
Sau khi bão đi qua, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị từ huyện đến xã tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ; động viên, thăm hỏi, giúp đỡ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do mưa, bão; nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở đất đá; vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị trên địa bàn hai huyện cùng tất cả lực lượng, phương tiện và người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão lũ; huy động thiết bị, máy móc tham gia công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, tập trung rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để có phương án xử lý kịp thời. Đồng thời tổ chức hỗ trợ; chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm dự trữ để hỗ trợ các khu vực bị thiệt hại; ưu tiên hỗ trợ các cơ sở giáo dục, y tế khắc phục hậu quả nhằm nhanh chóng ổn định hoạt động.
Sau khi bão số 3 đi qua, ngôi nhà của bà Lương Thị Mai Hoa, khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng dần gọn gàng, sạch sẽ. Vừa lau dọn bàn ghế, bà Hoa kể: Chiều 7/9, gió bão mạnh, nhà tôi bị tốc mái, tối đến nước ngập cao gần đầu gối, gia đình tôi phải sơ tán hết đồ đạc. Sau bão, gia đình được cán bộ, công an, bộ đội đến hỗ trợ khắc phục lại mái nhà, dọn dẹp đồ đạc, đến giờ đã cơ bản ổn định. Tôi rất cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ đã có mặt kịp thời giúp đỡ chúng tôi khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng khẳng định: Để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục bám, nắm địa bàn phụ trách, hỗ trợ người dân, các cơ quan, đơn vị khắc phục các điểm sạt lở đất đá; hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà ở; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Cùng đó, UBND huyện tiếp tục rà soát, huy động các nguồn lực tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời, quyết tâm không để người dân bị thiếu đói, dịch bệnh do mưa, bão.
Tại Hữu Lũng, công tác khắc phục hậu quả cũng đang được triển khai một cách khẩn trương. Bà Dương Thị Hạnh, quyền Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Thời điểm hiện tại, đối với các điểm an toàn, lực lượng chức năng đã hỗ trợ các hộ (trước đó phải di dời) quay trở về gia đình, sửa chữa cải tạo nhà ở, dọn dẹp vệ sinh nơi ở và cấp thuốc tiêu độc khử trùng để thực hiện vệ sinh môi trường. Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn có phương án kịp thời sửa chữa hư hỏng, dọn dẹp vệ sinh các trường học, công sở để bảo đảm các điều kiện lao động, học tập, hoạt động bình thường ngay sau khi lũ rút. Đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho người, cây trồng, vật nuôi sau bão, lũ, ngập úng.
Được biết, riêng trong ngày 10 và 11/9, các lực lượng chức năng, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng người dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã huy động trên 4.000 ngày công ra quân dọn dẹp, sửa chữa, tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường đối với các địa điểm lũ rút, đã an toàn trên địa bàn huyện để bà con ổn định cuộc sống.
Hợp tác xã Nông sản Hữu Lũng có địa chỉ tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3. Toàn bộ diện tích rau hữu cơ đang xanh tốt nay đã nhuộm bùn, héo rũ. Cùng đó, toàn bộ hợp tác xã ngổn ngang cây gãy đổ, dây điện vắt ngang dọc chằng chịt.
Chị Lê Thị Minh Trà, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Hữu Lũng nghẹn ngào: Do nằm trong vùng trũng, khi nước tràn về chỉ trong 1 tiếng đồng hồ đã khiến 2/3 diện tích canh tác của hợp tác xã chìm trong nước (khoảng 4ha), nước lên quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Không chỉ toàn bộ rau màu bị ngập mà hợp tác xã còn bị thất thoát khoảng 3 tấn cá, hư hỏng khoảng 70 tấn phân bón. Ước tính thiệt hại khoảng trên 500 triệu đồng. Ngay khi nước rút, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng, chúng tôi đã khẩn trương khắc phục để có thể bắt tay vào sản xuất một cách sớm nhất, bù lại những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ngoài hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở của hai huyện, các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mặt, các nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc men... đến các gia đình, với mong muốn sẻ chia, động viên người dân vươn lên trong cuộc sống.
Với sự vào cuộc hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, người dân hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả lụt bão một cách nhanh nhất để ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.