Chi khoảng 25.000 tỷ đồng/năm khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiến tới miễn phí cho người dân không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành Y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, Tổng Bí thư Tô Lâm từng cho biết sẽ chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho toàn dân. Xin Bộ Y tế cho biết tiến độ thực hiện chủ trương này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc miễn viện phí cho toàn dân là chủ trương rất lớn, nhân văn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm nom sức khỏe cho người dân. "Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiến tới miễn phí cho người dân không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành Y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân", ông nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.

Việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động tích cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Sức khỏe tốt hơn đồng hơn với việc chất lượng lao động năng suất cao hơn, góp phần tăng trưởng GDP và giảm nguy cơ tụt hậu về kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội. Miễn viện phí, ưu tiên cho đồng bằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa sẽ tăng tiếp cận dịch vụ y tế đối với các đối tượng yếu thế, giảm chênh lệch giàu nghèo...

Về định hướng, từ 2026-2030, 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vaccine đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe tâm thần, y tế học đường, sàng lọc nguy cơ sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, quản lý bệnh mạn tính, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa tổng quát, y học gia đình ngay từ y tế cơ sở. 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. "Chúng tôi ước tính, 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/ người thì chúng ta chi khoảng 25.000 tỷ đồng/năm", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Cùng với đó, người dân được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trong suốt vòng đời, được sống trong môi trường xanh, sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng hợp lý; người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế được quan tâm, chăm sóc xã hội; nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm. Ngân sách nhà nước tăng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để phấn đấu 100% dân số có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và từng bước chi trả cho dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm, từng bước giảm tỷ lệ chi trả của người dân trong tổng chi tiêu cho sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 20%, tỷ lệ đồng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT xuống dưới 10%...

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, theo chỉ đạo Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo để báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đề xuất nhiều giải pháp chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân.

Bộ Y tế cũng đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHYT để trình Chính phủ xem xét, ký ban hành, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. Nghị định quy định một số nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, góp phần bao phủ BHYT toàn dân. Nghị định cũng quy định chi tiết phạm vi, quyền lợi mức hưởng của người tham gia BHYT.

Đồng thời Bộ Y tế đang xây dựng để ban hành các thông tư quy định danh mục, tỷ lệ, mức và điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi được hưởng của người người tham gia BHYT, trong đó quy định tăng tỷ lệ, mức thanh toán một số thuốc, thiết bị y tế theo hướng miễn phí cho một số đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chính sách.

Về lộ trình thực hiện, từ năm 2026 đến năm 2030, nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách để thực hiện như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20-30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh, một số đối tượng có nguy cơ (theo độ tuổi, nghề nghiệp...), tăng mức hưởng lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, có lộ trình tăng dần mức hưởng đối với đối tượng đang có mức hưởng 80%. Hiện tại có 3 mức hưởng: mức hưởng 80%, mức hưởng 95%, mức 100%.

Ngoài ra Bộ Y tế sẽ nghiên cứu mở rộng tỷ lệ, mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật, thuốc, thiết bị y tế đối với một số đối tượng như người nghèo, người cận nghèo, người có mức sống trung bình, một số nhóm bệnh. Thiết kế các quỹ thành phần của quỹ BHYT, gồm có quỹ khám bệnh, chữa bệnh, quỹ dự phòng và quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp để chi trả thêm cho các bệnh hiểm nghèo.

Liên kết giữa BHYT với Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 để tăng hiệu quả, chống lãng phí. "Kiểm soát chặt chẽ việc lạm dụng, trục lợi từ việc cung cấp miễn phí dịch vụ khám chữa bệnh, gây lãng phí nguồn lực, quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh", ông nhấn mạnh.

"Hai định hướng mà Tổng Bí thư đưa ra bao gồm khám cho người dân một năm một lần và miễn viện phí cho toàn dân không chỉ là mục tiêu y tế mà còn gửi đi thông điệp sâu sắc rằng "Chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững". Khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ thêm.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chi-khoang-25-000-ty-dong-nam-kham-suc-khoe-mien-phi-cho-toan-dan-i767441/
Zalo