Chi hơn 19 tỷ USD nhập thép và sản phẩm từ sắt thép
Năm 2024 đánh dấu là năm kỷ lục về nhập khẩu thép, các sản phẩm sắt thép của Việt Nam, với tổng chi ngoại tệ lên tới 19,07 tỷ USD, tăng thêm 3,3 tỷ USD so với thực hiện của năm trước.
Tổng cục Hải quan vừa có thống kê chi tiết về hoạt động xuất nhập khẩu các loại hàng hóa trong năm 2024.
Đáng lưu ý, với mặt hàng sắt thép, năm qua, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm đạt 19,07 tỷ USD, tăng mạnh 21% (tương ứng tăng 3,3 tỷ USD) so với năm 2023.
Trong đó, trị giá nhập khẩu của sắt thép các loại đạt 12,58 tỷ USD, tăng 20,6% với lượng nhập khẩu đạt 17,71 triệu tấn, tăng 32,9%.
Thép cuộn, thép tấm, thép mạ kẽm, thép thanh và dây thép… là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Riêng nhập khẩu từ thị trường lớn nhất làTrung Quốc lên tới 12,03 tỷ USD, tăng 32,2% (tương ứng tăng 2,93 tỷ USD) so với năm trước.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 1,96 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 170 triệu USD), Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 2,1% (tương ứng tăng 39 triệu USD) so với năm 2023.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất ước đạt khoảng 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn…
Một nguyên nhân khiến thép nội địa khó cạnh tranh trong tiêu thụ là sự đổ bộ của thép nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu thép vào Việt Nam.
Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thép, với khoảng 500 nhà máy thép các loại, tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023. Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài.
Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi làn sóng xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc nhanh chóng gia tăng xuất khẩu các sản phẩm thép giá rẻ sang nhiều thị trường khu vực trong hai năm qua đã làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng thép không gỉ của Trung Quốc đang phải chịu hơn 102 lệnh áp thuế phòng vệ thương mại trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam.
Trước sự đổ bộ quá lớn của thép nhập khẩu, đặc biệt có sự gia tăng đột biến từ một số thị trường, trong nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất nội địa, Bộ Công thương đã sử dụng đến công cụ phòng vệ thương mại.
Cụ thể, ngày 26/7/2024 Bộ đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 6/2024.
Theo SSI Research, năm 2025, ngành thép Việt Nam cần theo dõi sát là sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc. Xuất khẩu thép của nước này trong 11 tháng năm 2024 tăng trưởng 22,6%, đạt 101,15 triệu tấn, sau khi tăng 36% trong năm 2023.
Lượng lớn thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ra thị trường đã và đang gây áp lực giảm giá thép và kích hoạt làn sóng các biện pháp bảo hộ toàn cầu. Hiệp hội Thép Thế giới dự báo, nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm thêm 1% trong năm 2025, sau khi giảm 3% trong năm 2024.