Chị đẹp vượt vũ môn nhờ nhạc của 'các cụ'

Lồng ghép văn hóa truyền thống, vùng miền đã góp phần quan trọng hình thành nên thương hiệu Anh trai vượt ngàn chông gai. Đến lượt Chị đẹp đạp gió, công thức này đã được áp dụng như thế nào và đạt được những thành quả gì?

Ở các tập trước, khán giả đã có dịp chứng kiến Phương Thanh, Ngọc Thanh Tâm ca cải lương khá mùi mẫn. Kiều Anh dàn dựng cả một màn diễn tôn vinh Mẫu Thượng Ngàn khá công phu, đứng thứ hai Top Xu hướng, dù cho bài này đã được nhiều nghệ sĩ và kể cả thí sinh các cuộc thi đưa lên sân khấu không biết bao nhiêu lần.

Nói về đẳng cấp vận dụng và phát triển chất liệu dân gian phải kể đến Bùi Lan Hương trong phần viết thêm cho tiết mục Từ chối nhẹ nhàng thôi. Khán giả chỉ biết là giai điệu mà cô phả vào thơ Hồ Xuân Hương đậm chất dân gian mà khó chỉ ra cụ thể cô đang dùng chất liệu gì, chèo hay ca trù… Hiệu ứng này tương tự với những gì BinZ từng thể hiện trong tiết mục Đào liu gây thú vị cho người nghe.

Tại đêm chung kết 1 của Chị đẹp mùa 2, Bùi Lan Hương tiếp tục ghi điểm khi “đạo diễn” một “đám cưới miền Tây” tưng bừng với sự tung hứng hiệu quả của các chị em cùng đội. Bùi Lan Hương trộn tới 6 chất liệu, tức 6 đoạn nhạc dài ngắn khác nhau từ các bài hát phổ thông mang âm hưởng truyền thống, từ Ra Giêng anh cưới em (Lư Nhất Vũ - Lê Giang), Mùa xuân đầu tiên (Tuấn Khanh), Rồi tới luôn (Nal)… tới một câu gọi lô-tô: “Con số gì đây, cờ ra cờ ra con mấy”- bỗng trở thành “Xuân tới tình duyên, làng trên cùng vui xóm dưới…”. Câu này có tính bản lề để kết nối các phần của liên khúc lại với nhau một cách ăn khớp.

 MisThy trong vai cô dâu trao nụ hôn đầu (trên sân khấu) cho vũ công cũng là một điểm nhấn cho tiết mục của đội Tóc Tiên. Ảnh: BTC

MisThy trong vai cô dâu trao nụ hôn đầu (trên sân khấu) cho vũ công cũng là một điểm nhấn cho tiết mục của đội Tóc Tiên. Ảnh: BTC

Ở bài Giăng câu (Tô Thanh Tùng), Hương chỉ mượn một câu ngắn “Em hỏi anh đêm nay đi đâu” và chuyển thành “Tôi đi cái mà xin dâu, đâu, đâu ở đâu? Xin dâu ở tận miền Tây…”. Nó lại có màu sắc của Lý quạ kêu. Bùi Lan Hương cho biết: “Phần âm nhạc có sự góp công rất lớn của 2 bạn Wokeup, 2Pillz… Nếu có thời gian hơn, mình còn muốn nhờ được hẳn một bác nghệ nhân nào đó, tỉa nhiều đàn kìm hơn, điểm thêm vài câu solo kìm thì chắc chắn là siêu đỉnh hơn nữa”.

Chắc chắn người dàn dựng liên khúc phải bỏ nhiều công để chọn lựa, chắt lọc, chuyển hóa, kết hợp chất liệu. Nhờ đó mà dựng lên một không gian đậm chất miền Tây, gắn với đời sống hôm nay khiến khán giả thích thú. Cùng với hiệu quả sân khấu, hoạt cảnh Rồi cưới luôn đã gây ấn tượng mạnh, bỏ xa hai đội còn lại về điểm số. Đội ngũ vừa vặn 6 thành viên bố trí thành 2 tốp diễn tung hứng nhịp nhàng cũng sẽ rất hợp khi ra sân khấu concert sau này, nếu Chị đẹp đủ duyên để được tổ chức concert.

Màu sắc xuân Tết miền Trung trong phần trình diễn của đội Minh Tuyết. Ảnh: BTC

Màu sắc xuân Tết miền Trung trong phần trình diễn của đội Minh Tuyết. Ảnh: BTC

Trong phần thi dân gian này, đội Minh Tuyết dẫn trước đội Kiều Anh chỉ 10 điểm. Nhưng để có được 10 điểm hẳn là nhờ cả một công phu kết hợp nhiều chất liệu truyền thống không chỉ âm nhạc mà còn có cả tranh làng Sình, hương (nhang) làng Thủy Xuân, hoa giấy Thanh Tiên, đèn lồng Hội An… tạo nên một không khí lễ hội miền Trung. Nhưng chất liệu chính là bài dân ca xứ Nghệ nổi tiếng Giận mà thương lại không mang tính hội hè mấy, may mà còn có một đoạn Hò hụi Bình Trị Thiên kéo lại.

Hóa ra Minh Tuyết, Mie và Thảo Trang đều có gốc miền Trung, quê ngoại Hoàng Yến Chibi ở Quảng Trị. Thảo Trang lĩnh vai trò chỉnh phát âm cho chị em trong các đoạn rap kiểu Huế nhiều hơn là Nghệ. Nhưng Ngọc Phước xem ra không theo được mấy… Dù sao phần rap vừa khuấy động được sân khấu vừa giúp đội Minh Tuyết tô đậm thêm chất liệu mà họ đang phải chinh phục.

Có thể thấy chất liệu càng phong phú, càng gây bất ngờ càng dễ ăn điểm. Đội Kiều Anh bị nghèo nàn về ý tưởng khi chỉ dựa vào một đoạn nhạc hơi ngắn của Inh lả ơi cùng phần phát triển không rõ nét dân gian lắm. Nội dung rap nói về cá tính của các chị đẹp cũng chẳng ăn nhập mấy với Inh lả ơi ca ngợi mùa xuân.

Đội Kiều Anh biến Inh lả ơi thành “nhạc sàn”. Ảnh: BTC

Đội Kiều Anh biến Inh lả ơi thành “nhạc sàn”. Ảnh: BTC

Hơi tiếc cho đội Kiều Anh đã bỏ qua nhiều chất liệu phong phú của đồng bằng Bắc bộ để sử dụng dân ca Thái. Lẽ đương nhiên là người Kinh khó có thể thâm nhập và vận dụng nhuần nhuyễn kho tàng âm nhạc văn hóa của dân tộc khác.

Chưa kể ý tưởng lấy từ câu nói có tính lan tỏa của NSND Tự Long trong Anh trai vượt ngàn chông gai cũng không đắt. Nó đã trở nên nhàm chán vì được sử dụng quá nhiều. Mặt khác các chị đẹp nếu tránh mang tiếng ăn theo, dựa dẫm vào một chương trình khác thì vẫn hơn chứ?!

Qua đây cũng có thể thấy chìa khóa thành công của đội Tóc Tiên trong phần thi cuối cùng của Chị đẹp mùa 2. Đó là đã sử dụng đúng, đào sâu chất liệu “ruột”, cho thấy rõ nét sự sống động và phong phú của âm sắc phương Nam trong đời sống ca nhạc, văn hóa hôm nay.

Khép lại chung kết Chị đẹp đạp gió, đội Tóc Tiên xứng đáng nhận về 3 bông hoa Đạp gió, đồng nghĩa với có ba thành viên lọt vào nhóm nhạc Đạp gió chung cuộc. Đội này đang sở hữu các thành viên “nặng ký” trong chương trình, có thể kể đến Bùi Lan Hương, Tóc Tiên, Minh Hằng, Dương Hoàng Yến… Tất cả đều nổi trội về chuyên môn và độ nhận diện. Đội Minh Tuyết cầm chắc 2 suất còn đội Kiều Anh chỉ có 1. Những cái tên nào sẽ dành được những suất ra mắt này còn tùy vào bình chọn cho từng cá nhân chị đẹp trong đêm chung kết của khán giả trường quay. Tuy nhiên nhóm nhạc Đạp gió sẽ có nhiều hơn 6 thành viên. Kết quả sẽ được công bố vào đêm trao giải cuối tuần này.

N.M.HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chi-dep-vuot-vu-mon-nho-nhac-cua-cac-cu-post1711072.tpo
Zalo