Chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai: Chuyện không thể lơ là!
Bão số 3 đi qua, một trong số vụ việc được chú ý, cần nghiêm túc nhìn nhận lại là việc tạm đình chỉ một số cán bộ lãnh đạo đã làm ảnh hưởng đến công việc khắc phục hậu quả tại địa bàn.
Lơ là trong công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả, lãnh đạo bị tạm đình chỉ công tác
Ngay trong những ngày cao điểm của cơn bão số 3 (9/9), Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh đã ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Điện lực thành phố Hạ Long đối với ông Nguyễn Đại Cương.
Nguyên nhân là công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả của ông Nguyễn Đại Cương sau cơn bão chưa đạt hiệu quả theo chỉ đạo, yêu cầu của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Quảng Ninh. Từ đó, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục cấp điện trở lại cho các khách hàng trên địa bàn Thành phố Hạ Long.
Đây là một sự việc đáng tiếc đối với Hạ Long nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình công tác chưa triệt để, gây ảnh hưởng đến đời sống, an ninh và các công tác khắc phục hậu quả của thiên tai nói chung của một bộ phận cán bộ nhà nước thiếu trách nhiệm.
Tiếp đó, ngày 14/9, tại huyện Bát Xát (Lào Cai), Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bàn Thanh Thảo cũng đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, vì cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm phòng, chống hoàn lưu bão số 3 tại địa phương. Như vậy 2 chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc chính quyền địa bàn sở tại, nơi diễn ra thiên tai, bão lũ cũng đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi xảy ra mưa bão.
Nhìn lại thời gian bão số 3 xảy ra, từ ngày 9/9 đến nay, trong khi cả nước đang dồn hết sức giúp đỡ, ủng hộ nhân lực, vật lực và các hành động khẩn trương, cần thiết để cứu trợ đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, thì những sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra đã ảnh hưởng đến tinh thần, hiệu quả của các hoạt động khắc phục hậu quả sau bão.
Mặc dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn. Vì vậy, rất cần những giải pháp quyết liệt hơn nữa để làm thay đổi nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu trách nhiệm, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ không thể lơ là
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng ngày 11/9 đã nêu rõ, bão, mưa lũ, thiên tai đã gây hậu quả rất lớn.
"Có thể nói đây là cơn bão lịch sử, gây hậu quả rất lớn. Nghe tiếng mưa rơi, mở cửa ra thấy mưa dầm dề là thấy lo", Thủ tướng bày tỏ.
Đích thân Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc ban hành 6 công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất cũng tới tận địa bàn các tỉnh để trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương.
Có thể nói, công tác khắc phục hậu quả bão số 3 đã được chính quyền các cấp, các ngành đồng loạt vào cuộc, hỗ trợ chung tay để triển khai các hoạt động hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Điều này một lần nữa khẳng định tinh thần dân tộc kiên cường, bất khuất, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
Cơn bão đi qua, chứng kiến sự vào cuộc đồng loạt của tất cả các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, rất nhiều tổ chức đã ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp, các ngành đều dồn sức, tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại đã khiến nhiều người dân xúc động và bạn bè quốc tế cảm phục.
Người Việt Nam với tinh thần "ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "tương thân, tương ái"... mọi lớp người, mọi độ tuổi, không phân biệt địa vị, sang hèn đều đồng loạt hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chung tay đóng góp cho khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.
Với tinh thần đó, một lần nữa, những cán bộ vi phạm cần nhìn nhận lại tinh thần trách nhiệm của mình, để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó, cùng nhau kiên quyết đấu tranh, loại trừ tình trạng né tránh trách nhiệm với các cán bộ trong bộ máy đất nước, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý, những người nắm vai trò quan trọng là "đầu tàu gương mẫu" để dân hiểu, dân tin và dân yêu mến.
Hy vọng, với sự quyết tâm và lòng đạo đức được nuôi dưỡng và hun đúc sau những khó khăn và vất vả đã trải qua, mỗi cán bộ, mỗi người Việt Nam sẽ làm tốt trách nhiệm của mình, không đùn đẩy, không sợ sai, "mỗi người làm việc bằng hai, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt với trách nhiệm cao nhất" - như lời Thủ tướng đã căn dặn, sẽ giúp Việt Nam sớm phục hồi trở lại sau cơn bão, tươi sáng hơn.