Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2025 (3)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2025 (3).

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 175/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.

Sửa đổi một số quy định về lệ phí trước bạ

Sửa đổi một số quy định về lệ phí trước bạ

Sửa đổi quy định về giá tính lệ phí trước bạ

Nghị định 175/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản tại Điều 7 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP về giá tính lệ phí trước bạ (LPTB):

Cụ thể, đối với nhà đất: Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định giá tính LPTB đối với nhà, đất như sau: (i) Đối với nhà: theo giá nhà do UBND cấp tỉnh ban hành; (ii) Đối với đất: theo giá Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành; (iii) Trường hợp giá nhà, đất tại Hợp đồng mua bán cao hơn giá do UBND cấp tỉnh ban hành thì tính theo giá tại Hợp đồng mua bán.

Nghị định 175/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 7 như sau: Trường hợp giá nhà, đất tại hợp đồng mua bán nhà, đất (đất gắn liền với nhà, tài sản trên đất không tách riêng giá trị đất) cao hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất là giá tại hợp đồng mua bán nhà, đất.

Đối với xe ô tô, xe máy: Để phù hợp với tên các cơ quan trung ương mới và chuyển thẩm quyền ban hành Bảng giá tính LPTB về UBND cấp tỉnh đảm bảo đồng bộ theo đúng tinh thần tổ chức, sắp xếp bộ máy theo định hướng của Đảng và Nhà nước về việc phân cấp, phân quyền về chính quyền địa phương và tạo điều kiện chủ động cho địa phương trong việc áp dụng giá tính và thu LPTB, Nghị định 175/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 như sau:

"3. Giá tính lệ phí trước bạ đối với tài sản là xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô (sau đây gọi chung là ô tô) và xe máy quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định này (trừ xe ô tô chuyên dùng, xe máy chuyên dùng) là giá tại Bảng giá tính lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành.

a) Giá tính lệ phí trước bạ tại Bảng giá tính lệ phí trước bạ của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xác định theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp với giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường tại thời điểm xây dựng Bảng giá tính lệ phí trước bạ.

Giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường của từng loại ô tô, xe máy (đối với xe ô tô, xe máy là theo kiểu loại xe; đối với xe tải là theo nước sản xuất, nhãn hiệu, khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông; đối với xe khách là theo nước sản xuất, nhãn hiệu, số người cho phép chở kể cả lái xe) được căn cứ vào các cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 2 Điều này.

b) Trường hợp phát sinh loại ô tô, xe máy mới mà tại thời điểm nộp tờ khai lệ phí trước bạ chưa có trong Bảng giá tính lệ phí trước bạ thì cơ quan thuế cấp tỉnh căn cứ vào cơ sở dữ liệu theo quy định tại khoản 2 Điều này để quyết định giá tính lệ phí trước bạ của từng loại ô tô, xe máy mới phát sinh trên địa bàn tỉnh (đối với xe ô tô, xe máy là theo kiểu loại xe; đối với xe tải là theo nước sản xuất, nhãn hiệu, khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông; đối với xe khách là theo nước sản xuất, nhãn hiệu, số người cho phép chở kể cả lái xe).

c) Trường hợp phát sinh ô tô, xe máy có trong Bảng giá tính lệ phí trước bạ mà giá chuyển nhượng ô tô, xe máy trên thị trường tăng hoặc giảm từ 5% trở lên so với giá tại Bảng giá tính lệ phí trước bạ thì cơ quan thuế cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước ngày mùng 5 tháng cuối quý.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, ban hành Quyết định về Bảng giá tính lệ phí trước bạ điều chỉnh, bổ sung trước ngày 25 của tháng cuối quý để áp dụng kể từ ngày đầu của quý tiếp theo. Bảng giá tính lệ phí trước bạ điều chỉnh, bổ sung được ban hành theo quy định về ban hành Bảng giá tính lệ phí trước bạ quy định tại điểm a khoản này.".

Sửa quy định mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ

Bên cạnh đó, Nghị định 175/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP về mức thu LPTB theo tỷ lệ % như sau: "4. Xe máy: Mức thu là 2%. Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%.".

Sửa đổi, bổ sung một số điểm và tiêu đề của khoản 5 Điều 8 như sau:

5. Ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng, xe tương tự các loại xe này: Mức thu là 2%.

Riêng:

a) Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống (bao gồm cả xe pick-up chở người): nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức thu quy định chung tại điểm này.

b) Ô tô pick-up chở hàng cabin kép, Ô tô tải VAN có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống.".

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 8: "d) Các loại ô tô quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này: nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Căn cứ vào loại phương tiện ghi tại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp, cơ quan thuế xác định mức thu lệ phí trước bạ đối với phương tiện theo quy định tại khoản này.".

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chính phủ ban hành Nghị địh số 161/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong đó, Nghị định số 161/2025/NĐ-CP quy định rõ về chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyên tắc áp dụng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghị định quy định sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của Chính phủ khi trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chế độ phụ cấp đặc thù quy định tại Nghị định này được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) và không phải là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ ở vị trí công tác nào thì hưởng phụ cấp đặc thù ở vị trí công tác đó. Khi được cấp có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm chức danh, vị trí công tác mới thì áp dụng mức phụ cấp tương ứng với chức danh, vị trí công tác mới kể từ tháng có quyết định điều động, bổ nhiệm. Khi thôi làm nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thôi hưởng phụ cấp kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Các trường hợp không được hưởng phụ cấp đặc thù

Nghị định quy định rõ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không được hưởng phụ cấp đặc thù theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau: Đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài liên tục từ 03 tháng trở lên; đi học tập trung trong nước liên tục từ 03 tháng trở lên; nghỉ việc riêng và nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không hưởng lương từ 01 tháng trở lên; nghỉ sinh con hưởng chế độ thai sản; bị đình chỉ công tác, bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù.

Các chế độ, chính sách khác đối với lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không được quy định tại Nghị định này được thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Phụ cấp đặc thù đối với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghị định quy định sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hưởng phụ cấp đặc thù như sau:

a- Mức 40% áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người có trình độ chuyên môn y, dược và chuyên môn khác phù hợp được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ trực tiếp làm thuốc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

b- Mức 30% áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ trực tiếp làm nhiệm vụ vận hành, bảo quản, sửa chữa trang thiết bị, kỹ thuật quan tài kính.

c- Mức 25% áp dụng đối với sĩ quan làm nhiệm vụ trực chỉ huy, trực ban tác chiến; người trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị kỹ thuật, kết cấu kiến trúc công trình thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu binh danh dự, gác Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trinh sát đặc nhiệm; đón tiếp, tuyên truyền, bảo đảm cảnh quan môi trường tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

d- Mức 15% áp dụng đối với người không thuộc các đối tượng quy định tại a, b, c.

Cách tính hưởng phụ cấp đặc thù

Nghị định quy định đối với người hưởng lương, tiền lương làm căn cứ tính hưởng phụ cấp đặc thù là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có);

Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ được tính trên mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

Chế độ trang phục của lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngoài chế độ quân trang theo quy định chung của quân đội, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo đảm các chế độ quân trang, trang phục nghiệp vụ theo quy định của Bộ Quốc phòng bao gồm:

1- Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ của lực lượng làm nhiệm vụ tiêu binh danh dự, đón, dẫn khách, gác bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2- Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ của lực lượng thực hiện nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia trên Quảng trường Ba Đình.

3- Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ của trực chỉ huy, trực ban tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4- Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ, bảo hộ lao động của lực lượng làm nhiệm vụ kỹ thuật, bảo đảm cảnh quan, môi trường tại các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

5- Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ của lực lượng làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

6- Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ của lực lượng trinh sát đặc nhiệm làm nhiệm vụ bảo vệ tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

7- Tiêu chuẩn quân trang chống rét cho lực lượng làm nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

8- Tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ dùng chung của lực lượng vệ binh làm nhiệm vụ canh gác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

9- Tiêu chuẩn định mức xà phòng, hóa chất giặt tẩy, điện, nước của Trạm giặt là tập trung thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chế độ tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc giao cấp có thẩm quyền tuyển chọn, tuyển dụng, điều động cán bộ, nhân viên bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, sức khỏe và trình độ chuyên môn nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác tại Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ưu tiên áp dụng và vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi, thu hút, trọng dụng nhân tài trong Quân đội nhân dân Việt Nam để tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghị định nêu rõ, kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được cân đối, bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước thường xuyên hằng năm của Bộ Quốc phòng theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 1396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Quy hoạch).

Quyết định nêu rõ mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ lâu dài các yếu tố gốc cấu thành di tích, các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, với tư cách là một hợp phần của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, góp phần bảo tồn sự toàn vẹn, xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới trong tương lai.

Đồng thời, phát huy giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; tổ chức hệ thống giao thông nội bộ kết nối các cụm, điểm di tích thành một tổng thể thống nhất; kết nối quần thể di tích này với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh góp phần phát triển chương trình du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của tỉnh nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung; hình thành chuỗi di sản liên vùng và phát huy tối đa giá trị di tích.

Xác định và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; làm cơ sở để cắm mốc giới và quản lý di tích theo khoanh vùng bảo vệ. Xác định các khu chức năng, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích. Quy hoạch, tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đề xuất mô hình và cấp độ quản lý Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, vai trò quản lý, quy mô đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch.

Hình thành trung tâm sinh hoạt văn hóa phục vụ nhân dân, du khách cả nước

Về quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, Quyết định nêu rõ định hướng bảo tồn, phát triển chung là bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với tư cách là tài nguyên du lịch, góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tổ chức không gian Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thành 06 khu vực tạo thuận lợi cho việc bảo tồn, gìn giữ các di tích gốc, các di chỉ, hiện vật khảo cổ đã phát lộ và còn nằm trong các hang động khu vực Kính Chủ và Nhẫm Dương.

Phục hồi các hạng mục công trình vốn có của quần thể di tích; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, xây dựng bổ sung các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích; tổ chức hệ thống giao thông kết nối liên hoàn các điểm di tích trong cùng một quần thể, giúp cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích được thuận lợi; hình thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và nghiên cứu lịch sử - văn hóa vùng miền, phục vụ nhân dân, du khách trong tỉnh và cả nước...

Nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, các sản phẩm du lịch tham quan trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng gắn với việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng miền; khai thác tiềm năng khảo cổ học, môi trường cảnh quan, danh lam thắng cảnh, nâng tầm giá trị của di tích như một điểm đến của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế; trở thành một trong những trung tâm du lịch, điểm đến hấp dẫn du khách.

Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Đối với định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, Quy hoạch sẽ đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên sẵn có như: Hệ thống núi đá, hang động, sông ngòi, hệ sinh thái tự nhiên, di tích, di chỉ khảo cổ học, danh lam thắng cảnh... để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan, khám phá môi trường, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái động, thực vật... trong phạm vi quần thể di tích và khu vực lân cận.

Phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghiên cứu khảo cổ gắn với hoạt động điền dã, điều tra và thực hành thăm dò, khai quật khảo cổ tại Khu di tích Kính Chủ, Nhẫm Dương, động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít, hang chùa Mộ.

Tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như: du lịch thiền gắn với trải nghiệm ẩm thực chay, tham gia các khóa tu tập, an cư kiết hạ...; đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở khai thác lợi thế của làng quê nông nghiệp, tìm hiểu văn hóa - lịch sử, phong tục tập quán, trải nghiệm đồng quê, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương. Các sản phẩm du lịch được hỗ trợ thông qua hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến quần thể di tích.

Hình thành các tuyến tham quan trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống

Xây dựng các tuyến du lịch, chương trình tham quan du lịch trên cơ sở lấy các di tích gốc, yếu tố môi trường, cảnh quan tự nhiên tạo nên giá trị của Quần thể di tích làm hạt nhân trong phát triển du lịch và tổ chức các tuyến du lịch theo chuyên đề gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Nghiên cứu, hình thành tuyến du lịch tham quan nội khu trong cùng quần thể di tích; trải nghiệm tham quan, ngắm cảnh dãy núi Yên Phụ bằng tuyến đi bộ (Trekking) lên đỉnh núi, đu dây trượt (Zipline) từ đỉnh núi xuống, tuyến tàu điện (tàu kéo cáp) hoặc cáp treo (nếu có)...

Khai thác tuyến du lịch bằng thuyền tham quan sông Kinh Thầy (đoạn chảy qua khu vực di tích Động Kính Chủ); dọc hai bên bờ sông Kinh Thầy, núi Dương Nham và núi Lĩnh Đông được quy hoạch khu nghỉ dưỡng sinh thái, xây dựng các khu nhà vườn, khu vực bán và giới thiệu đặc sản của địa phương...

Hình thành các tuyến tham quan trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm du lịch đồng quê trên cơ sở kết nối Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với các điểm đến khác tại khu vực lân cận. Hình thành tuyến du lịch chuyên đề khảo cổ học, lịch sử, văn hóa kết nối di tích động Kính Chủ - chùa Nhẫm Dương với các đi tích khảo cổ khác trên địa bàn và toàn vùng Đông Bắc…

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 vừa ký Quyết định số 85/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 30/6/2025 ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Quy chế này quy định về nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ phối hợp công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương).

Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương

Theo Quy chế, Ban Chỉ đạo Trung ương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trong quản lý, điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương theo phân công tại Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; giải quyết công việc đúng phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm đúng thời hạn, hiệu quả và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, bảo đảm sự thống nhất. Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý các vấn đề chung trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của từ 02 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trở lên. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định các nội dung theo phân công. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tham gia, thực hiện đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và kịp thời báo cáo, chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về các nhiệm vụ được phân công.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương

Ban Chỉ đạo Trung ương hoạt động theo chương trình công tác và phân công nhiệm vụ cụ thể của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cho các thành viên để tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương

Quy chế nêu rõ, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ và thông qua các phiên họp toàn thể của Ban Chỉ đạo định kỳ 6 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; thông qua lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương bằng văn bản.

Nội dung cuộc họp, thành phần tham dự cuộc họp và thời điểm tổ chức cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương do Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương phải được thông báo tới các thành viên Ban Chỉ đạo bằng văn bản trước ít nhất 03 ngày làm việc. Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định hình thức họp trực tiếp hoặc họp trực tuyến; nội dung, tài liệu kèm theo (nếu có), dự kiến thời gian và địa điểm. Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến thảo luận, bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương được thể hiện bằng thông báo của Văn phòng Chính phủ. Trường hợp không tổ chức được cuộc họp, có thể lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương bằng văn bản.

Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về tình hình triển khai các nhiệm vụ được phân công định kỳ trước 30 tháng 6, trước 31 tháng 12 hằng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương gửi Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính để theo dõi, tổng hợp chung.

Định kỳ trước 31 tháng 12 hằng năm, Bộ Tài chính báo cáo tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương gửi Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Nội vụ theo quy định.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trung ương

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1414/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trung ương (Ban Chỉ đạo).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm Phó Trưởng Ban Thường trực; Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương làm Phó Trưởng ban.

Các Ủy viên gồm: Ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Thống kê.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 09/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) trung ương và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg.

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Trưởng ban Thường trực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Quyết định số 942/QĐ-TTg và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg.

Bộ Tài chính (Cục Thống kê) là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương, có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tại Quyết định số 942/QĐ-TTg và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo TĐTNN 2025 trung ương kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-30-6-2025-3-102250701004816759.htm
Zalo