Giang sơn sắp lại - Lòng người mở ra
Và khi Giang Sơn được sắp xếp lại, tôi không thể không tự hỏi: Phải chăng lòng người cũng đang được mở ra?

Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã về Hải Phòng – quê hương tôi – để công bố các quyết định quan trọng về công tác nhân sự cho “Hải Phòng mới”, một thành phố được hình thành từ sự sáp nhập giữa Hải Phòng và Hải Dương. Trước đó, vào sáng 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển thành phố mới này.
Hàng loạt tin vui dồn dập đến với vùng đất tôi gắn bó, giữa một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Lòng tôi trào dâng một niềm tin mới – vừa xúc động, vừa hy vọng.
Sáng nay, ngày 1/7, tôi vẫn đến công ty sớm như thường lệ, nhìn ánh bình minh của ngày mới, chiếu qua những tán cây xanh, nhìn ngắm thành quả KCN xanh mà mình và cùng những người cộng sự đã gây dựng trong gần 17 năm qua, và ngẫm nghĩ. Tôi nghĩ về tương lai, về những cơ hội mới cho doanh nghiệp mình trong dòng chảy đang vận động không ngừng của đất nước.
Trên các phương tiện truyền thông, tin tức đều nhấn mạnh: 34 tỉnh, thành phố chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp. Một thông tin tưởng như thuần hành chính, nhưng với tôi – nó vang lên như một tiếng trống chuyển mùa. Có điều gì đó đang thay đổi – không chỉ trong cấu trúc bộ máy nhà nước, mà sâu hơn – trong nhịp đập của lòng người.
Tôi bỗng nghĩ đến hai chữ “Giang Sơn”. Từ bao đời nay, giang sơn là biểu tượng của biên giới, lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng. Nhưng trong khoảnh khắc này, Giang Sơn hiện lên gần gũi hơn bao giờ hết – đó là những vùng đất mà tôi đã đến, đã tin tưởng đầu tư, đã gieo hạt và mong ngày gặt quả.
Và khi Giang Sơn được sắp xếp lại, tôi không thể không tự hỏi: phải chăng lòng người cũng đang được mở ra?

Chúng ta đã sống trong một cấu trúc hành chính quen thuộc hàng chục năm. Mọi sự đổi thay luôn đi kèm những hoài nghi, lo ngại, thậm chí là kháng cự. Nhưng lần này, tôi tin nhiều người cảm nhận được một sự chuyển mình từ bên trong. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy không chỉ là công việc nội bộ của nhà nước. Đó là một tín hiệu mạnh mẽ: đất nước đang chủ động bước vào một giai đoạn phát triển mới – sâu sắc hơn, bền vững hơn, hiện đại hơn.
Với tôi – một người làm kinh tế – cải cách hành chính không chỉ là chuyện giấy tờ, quy trình. Mà đó là lời nhắn gửi rõ ràng từ thể chế đến cộng đồng doanh nghiệp: Thể chế được cải cách thực chất, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Cùng với bước đi cải tổ bộ máy, Bộ Chính trị đã ban hành loạt nghị quyết mang tính chiến lược, được ví như “bộ tứ trụ cột” của kỷ nguyên mới. Một Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo, gần dân và vì dân - Một Nhà nước pháp quyền minh bạch - Một đội ngũ cán bộ đủ tầm và đủ tâm - Một thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện. Những văn kiện ấy không chỉ dành cho giới chuyên gia.
Với tôi, đó là lời cam kết – và cũng là lời mời gọi – đến tất cả những ai đang chung tay xây dựng đất nước bằng năng lực, bằng lòng tin, bằng hành động cụ thể. Tôi đọc chúng không chỉ bằng mắt – mà bằng trái tim của một người đã trải qua những thăng trầm trên hành trình làm giàu cho quê hương, cho đất nước.
Tôi nhớ những dự án từng bị đình trệ vì vướng mắc giữa các cấp địa phương, những chính sách thiếu đồng bộ, những cơ hội bị bỏ lỡ. Nhưng tôi cũng không thể quên những khoảnh khắc rất “người” – khi một cán bộ cấp huyện dám đứng ra ký một quyết định quan trọng, dám chịu trách nhiệm để mở lối cho một dự án xanh.

Hôm nay, khi giang sơn được sắp xếp lại, tôi thấy lòng mình cũng đang âm thầm tự sắp xếp. Gác những hoài nghi từng có, sắp xếp lại kỳ vọng cho chặng đường mới, và cả cách nhìn về sự phát triển: không chỉ chạy theo tăng trưởng, mà là phát triển có trách nhiệm, có chiều sâu, có dấu ấn bền vững để lại cho cộng đồng và thế hệ sau.
Tôi tin rằng, nhiều doanh nhân khác cũng đang cảm nhận điều này. Bởi ai mà không mong sống và làm việc trong một đất nước có bộ máy vận hành hiệu quả, thể chế minh bạch, môi trường kinh doanh công bằng? Điều quan trọng là, hôm nay, những kỳ vọng ấy không còn là mong muốn đơn độc. Chúng đang dần trở thành hiện thực, từng bước một – qua những quyết định lớn lao của đất nước.
Chúng ta đang sống trong dòng chảy hào khí dân tộc – từ mùa thu 1945 đến chiến thắng 1954, từ mùa xuân đại thắng 1975 đến hôm nay. Nhưng hào khí ấy giờ đây cần được nuôi dưỡng không bằng máu và nước mắt, mà bằng trí tuệ, bằng sáng tạo, bằng lòng tử tế và tinh thần trách nhiệm trong từng công việc nhỏ. Bằng sự đồng hành thực chất giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Và vì thế, khi giang sơn được sắp lại, tôi tin lòng người rồi sẽ thôi ngần ngại. Rồi sẽ hòa cùng nhịp – nhịp phát triển, nhịp đoàn kết, nhịp khát vọng mới.
Không phải lúc nào lịch sử cũng gõ cửa, nhưng tôi tin, hôm nay là một ngày lịch sử!