Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/2025

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5/2025.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức đối tác công tư

Bổ sung, hoàn thiện phương án đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP

Bổ sung, hoàn thiện phương án đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 266/TB-VPCP ngày 27/5/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức đối tác công tư.

Theo Thông báo kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, cơ quan để bổ sung, hoàn thiện phương án đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP hoặc phương án nhượng quyền kết hợp nâng cấp, mở rộng tài sản theo quy hoạch; không thực hiện phương án đầu tư công:

Căn cứ yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về thu phí để hoàn vốn sau khi đầu tư xây dựng xong, phân tích các khía cạnh về kinh tế để xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể về các phương án đầu tư mở rộng (tổng thể 15 đoạn tuyến) và tiến hành khảo sát sự quan tâm của các nhà đầu tư. Khi xây dựng kịch bản cần lưu ý về lộ trình triển khai phù hợp (ưu tiên các dự án đang triển khai thi công thì nghiên cứu đầu tư luôn để tránh lãng phí và nghiên cứu cơ chế sử dụng tiếp các nhà thầu thi công trước đó đã thực hiện tốt gói thầu của dự án).

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương chủ động đề xuất phương án (VEC chủ trì toàn bộ hoặc VEC hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước, đề xuất cơ chế, chính sách kèm theo) đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gửi Bộ Xây dựng trong ngày 02 tháng 6 năm 2025; Bộ Xây dựng tổ chức đánh giá và so sánh các phương án để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án hiệu quả tối ưu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 6 năm 2025.

Bộ Tài chính chỉ đạo VEC chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gửi Bộ Xây dựng trong ngày 02 tháng 6 năm 2025 để tổng hợp, so sánh các phương án đầu tư.

Công nhận 4 địa phương về đích nông thôn mới

Ngày 27/5/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1016/QĐ-TTg ngày 27/5/2025 công nhận thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về quy hoạch và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng vừa ký các Quyết định công nhận 2 huyện của thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Cụ thể, tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 27/5/2025, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 27/5/2025, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện Kiến Thụy và Vĩnh Bảo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về triển khai Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được yêu cầu phải triển khai trong thời gian sớm nhất có thể nhưng đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu khía cạnh kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, chất lượng, độ an toàn cao nhất - Ảnh minh họa

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được yêu cầu phải triển khai trong thời gian sớm nhất có thể nhưng đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu khía cạnh kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, chất lượng, độ an toàn cao nhất - Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4671/VPCP-CN ngày 27/5/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới (Dự án).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường sắt đầu tiên được triển khai theo Quy hoạch hệ thống mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để kết nối với các địa phương của Trung Quốc và quốc tế. Dự án được yêu cầu phải triển khai trong thời gian sớm nhất có thể nhưng đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu khía cạnh kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, chất lượng, độ an toàn cao nhất đối với công trình quy mô lớn, phức tạp và phải đảm hiệu quả.

Để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, ban hành Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn (kỹ thuật, công nghệ) cho đường sắt (từ khảo sát, thiết kế, thi công xây lắp, giám sát, hệ thống thông tin tín hiệu, chế tạo đầu máy, toa xe…) để làm cơ sở cho công tác chuẩn bị Dự án (lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế bản vẽ thi công...), thi công xây lắp và đầu tư mua sắm, chế tạo, lắp đặt thiết bị, đầu máy, toa xe.

Tăng cường năng lực cho Bộ Xây dựng và Ban Quản lý dự án đường sắt trong việc thẩm định, quản lý, giám sát (do đây là dự án quy mô lớn đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai thực hiện) thông qua việc: Kiện toàn Ban Quản lý dự án đường sắt đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu quản lý dự án mới, quy mô lớn, phức tạp; tuyển chọn và sử dụng các chuyên gia tư vấn (trong nước và quốc tế) độc lập (về kỹ thuật, về pháp lý) giúp Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư) để có ý kiến phản biện độc lập đối với sản phẩm đầu ra của từng Dự án do Đơn vị Tư vấn thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập Tổ chuyên gia độc lập để tham mưu giúp Bộ Xây dựng trong chỉ đạo, quản lý, điều hành Dự án.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, phúc tra, thẩm định Đề án về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án; cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án cho các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Liên đoàn Vật lý Địa chất...) để thực hiện nhiệm vụ; bố trí kinh phí chi trả theo quy định cho các hoạt động kiểm tra, phúc tra, thẩm định về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án.

Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để đề xuất được phương án khả thi trong việc chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với Hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt theo đề nghị của Bộ Xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cung cấp danh sách và chỉ đạo các đơn vị có năng lực của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Liên đoàn Vật lý Địa chất...) cung cấp cho Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án đường sắt về thông tin địa chất tại các khu vực Dự án đi qua; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thực hiện công tác kiểm tra, phúc tra, đánh giá, thẩm định về kết quả khảo sát, thăm dò địa chất công trình của Dự án.

Phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035"

Việt Nam phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế cho các nhà máy điện hạt nhân.

Việt Nam phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế cho các nhà máy điện hạt nhân.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 26/5/2025 phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035".

Phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế cho các nhà máy điện hạt nhân

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, cụ thể như sau:

- Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Tổng số khoảng 1.920 người, trong đó trình độ đại học (kỹ sư, cử nhân) là 1.020 người, trình độ cao đẳng là 900 người. Số lượng nhân lực có trình độ đại học được đào tạo mới ở nước ngoài là 320 người.

- Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2: Tổng số khoảng 1.980 người, trong đó trình độ đại học và sau đại học là 1.050 người, trình độ cao đẳng là 930 người. Số lượng nhân lực có trình độ đại học và sau đại học được đào tạo mới ở nước ngoài là 350 người.

Về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Đề án phấn đấu đến năm 2030 bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn các kỹ năng chuyên sâu về quản trị và hoạt động của nhà máy điện hạt nhân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia đang quản lý ở các bộ, ngành và đang làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, dự kiến khoảng 700 lượt người; cập nhật kiến thức cho các giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên hiện đang làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng có đào tạo các chuyên ngành điện hạt nhân, dự kiến khoảng 450 người.

Về đào tạo giảng viên chuyên ngành phục vụ đào tạo nguồn nhân lực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Đề án đặt mục tiêu đào tạo giảng viên các chuyên ngành điện hạt nhân để bổ sung nguồn nhân lực giảng dạy cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 khoảng 120 người (80 thạc sĩ, 40 tiến sĩ).

Giai đoạn 2031 - 2035, Đề án phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế cho các nhà máy điện hạt nhân.

Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai như: Hoàn thiện cơ chế chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo; hợp tác quốc tế.

Cụ thể, Đề án triển khai đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong nước và nước ngoài đáp ứng nhu cầu phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, trong đó ưu tiên lựa chọn sinh viên đã tốt nghiệp cùng nhóm ngành để cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành điện hạt nhân có cam kết về phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 theo từng giai đoạn cụ thể; lựa chọn, cử sinh viên đang học năm thứ nhất, thứ hai tại các cơ sở đào tạo trong nước đi học tại nước ngoài có cam kết về phục vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Đồng thời, Đề án tổ chức cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học đầu ngành về hạt nhân đi khảo sát kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân; thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại, thực tập ngắn hạn trong nước và tại các nước có ngành năng lượng nguyên tử phát triển cho các kỹ sư, cử nhân, nhà khoa học, nhà quản lý đang làm việc tại các cơ sở hạt nhân trong nước; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên trong cơ sở đào tạo trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân theo chuẩn mực quốc tế.

Đề án cũng tập trung đầu tư có trọng điểm cho một số cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2./.

Theo Baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-27-5-2025-5048339.html
Zalo