Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/1/2025 (1)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/1/2025 (1).

Phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại.

Phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại.

Phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến năm 2045, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới

Mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ; chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi

Đối với giáo dục mầm non, Chiến lược đặt mục tiêu tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo.

Phấn đấu có 99,5% trẻ em mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục được nâng cao, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị vào học lớp 1.

100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%.

Phấn đấu 60% các tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2

Đối với giáo dục phổ thông, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 75% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở đạt 99% và hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95%; tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở đạt 99,5%, từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và các trình độ khác đạt 95%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Phấn đấu số cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5% và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5,5%.

Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông đạt 100%; có 70% trường tiểu học, 75% trường trung học cơ sở và 55% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học

Về giáo dục đại học, số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.

Dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.

Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn.

Có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 05 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030

Đối với giáo dục thường xuyên, phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 99,15%; trong đó tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98,85%. Có 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc; có ít nhất 50% huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập và 35% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu tỉnh, thành phố học tập. Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030.

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Chiến lược đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên gồm: 1- Hoàn thiện thể chế; 2- Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; 3- Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; 4- Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; 5- Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; 6- Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; 7- Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; 8- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; 9- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; 10- Tăng cường hội nhập quốc tế.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học

Trong đó, Chiến lược có chính sách hỗ trợ trẻ dưới 36 tháng tuổi được vào học ở nhà trẻ, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư; tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học là đối tượng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; chính sách tín dụng giáo dục, học bổng, trợ cấp xã hội cho người học; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi người.

Phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở; linh hoạt, đa dạng hóa các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục, phương thức học tập, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục để phù hợp với mọi đối tượng người học.

Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực từng cá nhân người học; đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán học (STEM) và nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông,

Tăng cường các nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực các ngành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn,...

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á.

Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại

Mục tiêu tổng quát là phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về kinh tế, Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.

Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.

Về xã hội, dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của Thành phố đến năm 2030 là khoảng 11,0 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; chỉ số phát triển con người HDI trên 0,85.

Đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia: mầm non đạt 60%; tiểu học đạt 80%; trung học cơ sở đạt 70%; trung học phổ thông đạt >50%; đạt 600 sinh viên đại học trên 10.000 dân.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%; phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh; phấn đấu 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó ít nhất 50% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới thông minh, làm nền tảng định hình, phát triển vùng đô thị vệ tinh trên địa bàn Thành phố.

Phấn đấu đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập của Thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; còn dưới 0,5% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố.

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Về phương hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, Quyết định nêu rõ phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ theo định hướng nông nghiệp giá trị cao, trên cơ sở lai tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới với năng suất cao, thân thiện môi trường, nông nghiệp xanh và bền vững gắn với giảm thiểu phát thải cacbon, gắn với du lịch. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tây - Bắc, Tây - Nam và khu vực Nam Thành phố; tập trung vào các sản phẩm có chất lượng cao, có lợi thế;

Lâm nghiệp: bảo vệ và phát triển rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp gắn với dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng phòng hộ Cần Giờ khoảng 200ha.

Thủy sản: phát triển Trung tâm thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá. Phát triển diện tích tôm nước lợ khoảng 4.476 ha; nuôi thủy sản trên biển khoảng 1.000ha; nuôi, nhân giống cá cảnh khoảng 100 ha; xây dựng trung tâm giao dịch cá cảnh mới kết hợp hoạt động du lịch.

Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực

Công nghiệp: (i) phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất (chọn lọc: hóa dược, cao su - nhựa kỹ thuật và phân bón); ngành cơ khí chính xác, tự động hóa; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống,...; (ii) phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp sinh hóa; công nghiệp dược phẩm;

công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao,...; (iii) tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may; nội thất, gỗ; các ngành khác.

Tập trung vào làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện hệ sinh thái hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển; hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả thương mại của các ngành công nghiệp hiện hữu gắn với tự động hóa, phát triển bền vững.

Xây dựng: phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững theo hướng thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại, vật liệu mới, sử dụng năng lượng tái tạo.

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại điện tử của Vùng Đông Nam Bộ

Về phương hướng phát triển ngành thương mại, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa. Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Vùng Đông Nam Bộ; phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thương mại điện tử của Vùng Đông Nam Bộ; phát triển các kênh bán lẻ hấp dẫn; chuyên nghiệp hóa và số hóa chuỗi cung ứng bán buôn; nâng cấp kết nối và cải thiện dịch vụ thương mại và quốc tế; tập trung xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh chủ lực.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics. Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ số, công nghệ quản lý hiện đại trong vận hành của các trung tâm logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, bảo đảm năng lực cạnh tranh và hội nhập được với các trung tâm logistics của khu vực, thế giới…

Toàn cảnh trung tâm huyện Văn Yên, Yên Bái.

Toàn cảnh trung tâm huyện Văn Yên, Yên Bái.

Công nhận 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 2/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cụ thể, tại Quyết định số 1/QĐ-TTg ngày 2/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Tại Quyết định số 5/QĐ-TTg ngày 2/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND 2 tỉnh Yên Bái và Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND 2 huyện trên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Tư lệnh Quân khu 2 nghỉ hưu từ ngày 1/1/2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1501/QĐ-TTg về việc đồng chí Thiếu tướng Đinh Mạnh Phác, Phó Tư lệnh Quân khu 2 nghỉ hưu.

Theo đó, đồng chí Thiếu tướng Đinh Mạnh Phác, Phó Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/1/2025./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-2-1-2025-1-10225010218354853.htm
Zalo