Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/1/2025 (2)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 13/1/2025 (2).
Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 03/2025/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất.
Nghị định quy định rõ 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất gồm: 1- Giữ lại tiếp tục sử dụng; 2- Thu hồi; 3- Điều chuyển; 4- Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; 5-Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.
Giữ lại tiếp tục sử dụng
Theo Nghị định, việc giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất đang sử dụng phù hợp với mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng, mua sắm.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Thu hồi
Việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Nhà, đất không sử dụng liên tục quá 12 tháng, trừ trường hợp đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật mà không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Tặng cho, góp vốn, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định, trừ nhà, đất thuộc vụ việc đã được Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý.
- Nhà, đất sử dụng không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ.
UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) ban hành Quyết định thu hồi nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương và địa phương quản lý (bao gồm cả nhà, đất của địa phương khác trên địa bàn) sau khi cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi.
Điều chuyển
Việc điều chuyển được áp dụng trong các trường họp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện khi xác định được cụ thể đối tượng tiếp nhận. Trường hợp đối tượng tiếp nhận là cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tại văn bản đề nghị tiếp nhận nhà, đất phải thuyết minh sự phù hợp của việc tiếp nhận nhà, đất với quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Trường hợp điều chuyển nhà, đất sang doanh nghiệp thì chỉ điều chuyển sang doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để làm văn phòng làm việc. Không điều chuyển nhà, đất sang doanh nghiệp để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc sử dụng nhà, đất đã tiếp nhận điều chuyển để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc các mục đích khác (không phải để làm văn phòng làm việc).
Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý
Chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý là việc chuyển giao nhà, đất từ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý hoặc địa phương khác quản lý về UBND cấp tỉnh hoặc từ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý về các cơ quan chức năng của địa phương (cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương, UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã) để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
a- Nhà, đất đã được giao, bố trí làm nhà ở không đúng thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất, có lối đi riêng mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.
b- Nhà, đất không thuộc trường hợp quy định tại điểm a nêu trên mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.
Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng
Việc tạm giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định này.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3, điểm c, điểm d khoản 4 Điều 15 Nghị định này.
Sau khi hoàn thành việc di dời, chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này.
Thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất:
1- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với:
Nhà, đất điều chuyển từ các bộ, cơ quan trung ương, địa phương sang Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đất đó chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan.
Nhà, đất điều chuyển từ cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội sang các đối tượng khác (ngoài cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội) theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan.
2- Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất thực hiện điều chuyển giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương, giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ các trường hợp điều chuyển quy định tại khoản 1 nêu trên.
3- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên. Đối với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội ở trung ương thì việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Đoàn Chủ tịch/Ban Thường trực của tổ chức. Việc lấy ý kiến của Thường trực Đoàn Chủ tịch/Ban thường trực của tổ chức được thực hiện theo Quy chế làm việc của Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành của tổ chức.
4- UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý (bao gồm nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương đó trên địa bàn địa phương khác), trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Nghị định số 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
Như vậy, thay vì chỉ được chứng thực các giấy tờ, văn bản do cơ quan của Việt Nam cấp, thì Nghị định số 07/2025/NĐ-CP đã bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.
Có thể xuất trình Căn cước điện tử để làm thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch
Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định khi làm thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu chứng thực phải nộp bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực.
Quy định trên đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2025/NĐ-CP theo hướng người yêu cầu chứng thực có thể chỉ cần xuất trình Căn cước điện tử để làm thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, Nghị định số 07/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Người yêu cầu chứng thực xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Thẻ căn cước/Giấy chứng nhận căn cước hoặc Hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị sử dụng hoặc xuất trình Căn cước điện tử và nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
b) Bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi và khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và vụ tai nạn giao thông trên đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hà Nội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 13/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ thăm hỏi và khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và vụ tai nạn giao thông trên đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hà Nội.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
Nội dung công điện nêu rõ:
Vào lúc 17 giờ 00 phút ngày 12 tháng 01 năm 2025 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An do xe ô tô tải mang biển kiểm soát 37C-537.03 mất lái đâm vào nhà dân, hậu quả làm 06 người chết và vào lúc 04 giờ 00 phút ngày 13 tháng 01 năm 2025 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hà Nội do xe ô tô tải mang biển kiểm soát 98C-308.16 đâm vào xe mô tô đi cùng chiều, hậu quả làm 03 người chết.
Ngay khi nhận được thông tin các vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo thành phố Hà Nội và lực lượng Công an đến hiện trường các vụ tai nạn để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi các nạn nhân trong vụ tai nạn.
Để khắc phục hậu quả và ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát đối với xe ô tô, nhất là xe ô tô tải, xe chở khách khối lượng lớn trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các vi phạm về phần đường, làn đường, tránh, vượt trái quy định, vi phạm về nồng độ cồn, đi quá tốc độ, chở quá số người quy định…; cùng với đơn vị quản lý đường cao tốc có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp dừng xe trên đường cao tốc, kể cả dừng xe do sự cố của phương tiện để phòng tránh tai nạn giao thông; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc trung ương tổ chức giao thông khoa học, hợp lý để khẩn trương khắc phục ùn tắc giao thông, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương bố trí mọi điều kiện về y tế, thuốc men để cứu chữa người bị nạn, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản của người dân; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân trong các vụ tai nạn nêu trên; đồng thời khẩn trương làm rõ các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao, đường có độ dốc lớn… nhằm bảo đảm an toàn giao thông và tránh ùn tắc giao thông; chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc có biện pháp ứng phó ngay đối với các trường hợp dừng đỗ xe trên cao tốc nhằm bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước, trong và sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các dự án giao thông kết nối với Dự án
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 12/TB-VPCP ngày 13/1/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các dự án giao thông kết nối với Dự án.
Thông báo kết luận nêu rõ: Để khẩn trương triển khai, đáp ứng tiến độ hoàn thành toàn bộ Dự án đưa vào vận hành khai thác đồng bộ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu:
Đối với Dự án thành phần 1(trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước), các bộ, địa phương đã nhận trách nhiệm của chủ đầu tư, triển khai các công trình Trụ sở cơ quan quản lý nhà nước và cam kết hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế giám sát tiến độ triển khai theo cam kết của các nhà thầu về chỉ tiêu tài chính, kinh tế của các công trình.
Về Dự án thành phần 2(các công trình phục vụ quản lý bay): Theo báo cáo, cơ bản phần xây lắp của gói thầu Đài kiểm soát không lưu có thể sớm hơn ít nhất 4 tháng đến 5 tháng, tuy nhiên, đây mới chỉ là phần vỏ, phải tập trung phần lắp đặt trang thiết bị hoàn thành đồng bộ, đưa vào sử dụng theo cam kết của chủ đầu tư với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2025. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chịu trách nhiệm kiểm soát tiến độ bảo đảm hoàn thành Dự án thành phần 2 theo đúng tiến độ cam kết.
Bảo đảm tiến độ chung của toàn bộ Dự án
Đối với Dự án thành phần 3(các công trình thiết yếu trong cảng hàng không)và tiến độ tổng thể Dự án: Thông báo kết luận nêu rõ, nhìn chung, nhiều chủ đầu tư và các nhà thầu đã thực hiện đúng thỏa thuận, cam kết, trong đó nhiều hạng mục công trình sớm hoàn thành như hạng mục đường cất hạ cánh hoàn thành dịp 30 tháng 4 năm 2025. Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh mục các hạng mục công trình hoàn thành vào thời điểm 30 tháng 4 năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Quá trình triển khai Gói thầu 5.10 ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các hạng mục trong Dự án, do đó, ACV cần xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp, tính toán điều kiện thời tiết, dây chuyền công nghệ, bố trí mặt bằng thi công hợp lý, không để chồng lấn, ảnh hưởng đến quá trình thi công các hạng mục khác để xây dựng tiến độ chi tiết phù hợp, bảo đảm tiến độ chung của toàn bộ Dự án.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành và đi vào hoạt động phải đồng bộ nhiều hạng mục, trong đó đặc biệt quan trọng là hạng mục Nhà ga hành khách, sân đỗ, đường lăn…, trong đó tiến độ Gói thầu 5.10 là đường găng (gantt) của Dự án thành phần 3 cũng như của cả Dự án và là cơ sở để xác định thời hạn đưa Dự án vào hoạt động. Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần phân tích kỹ lưỡng việc rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu, hoàn thành sớm nhưng phải bảo đảm đồng bộ với các Dự án thành phần còn lại, nhất là Dự án thành phần 1 và 4 (các công trình dịch vụ mặt đất), đồng thời, phải tính toán hiệu quả kinh tế tổng thể, cũng như bảo đảm an toàn, chất lượng công trình.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và ACV rà soát lại tổng thể tiến độ triển khai, đánh giá về hiệu quả kinh tế tổng thể khi rút ngắn tiến độ, đưa công trình sớm khai thác, vận hành. Bộ Giao thông vận tải cùng ACV phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo về thời điểm hoàn thành Dự án. Trong thời gian sớm nhất kể từ ngày phát hành thông báo này nhưng không muộn hơn ngày 15 tháng 01 năm 2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể hơn về việc rút ngắn tiến độ Dự án thành phần 3 và toàn bộ Dự án.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với ACV nghiên cứu, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với đầy đủ các nội dung cần thiết để có thể sớm triển khai Dự án, lựa chọn được nhà thầu đường cất hạ cánh thứ 2 nhanh chóng, đơn giản, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, không làm tăng giá so với các gói thầu đã triển khai; đề xuất việc san lấp mặt bằng cho giai đoạn 2 của Dự án.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và các thủ tục cần thiết để triển khai đô thị sân bay, lựa chọn 1 đơn vị có năng lực đầu tư tuyến ống dẫn nhiên liệu cho tàu bay từ cảng đầu nguồn tới ranh giới Dự án.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 13/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo động lực, sức lan tỏa
Theo Kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công, tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo động lực, sức lan tỏa, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng khu kinh tế, hạ tầng kỹ thuật đô thị bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông nhằm thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng (kết nối 02 vùng kinh tế - xã hội phía Đông và phía Tây của tỉnh) gắn với 03 trục động lực phát triển (trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, trục phát triển theo hướng Bắc - Nam và trục phát triển theo hướng Đông - Tây) và 03 cửa ngõ kết nối của tỉnh (cửa ngõ phía Tây Bắc, cửa ngõ phía Tây Nam và cửa ngõ phía Đông); hạ tầng giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn của tỉnh và phục vụ quốc phòng, an ninh.
Với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, sẽ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh trên cơ sở các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư dẫn dắt bởi các dự án đầu tư công, phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đã được đầu tư. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các dự án lớn có tính chất liên kết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm đúng quan điểm, định hướng phát triển, phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Định An; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng thương mại; các Khu đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp, Khu dịch vụ - công nghiệp; logistics; các Khu sản xuất, chế biến nông, thủy sản; cảng thủy nội địa - hành khách; các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nhu cầu vốn khoảng 387.762 tỷ đồng
Kế hoạch nêu rõ, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 387.762 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 160.000 tỷ đồng và khoảng 227.762 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030.
Cụ thể như sau:
Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)
Một trong những giải pháp được Kế hoạch đưa ra là giải pháp về thu hút đầu tư phát triển. Theo đó, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn thu; ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn trung ương hỗ trợ, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa và kết nối, liên kết vùng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện.
Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghiên cứu, xây dựng danh mục các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP cho từng giai đoạn để thu hút nhà đầu tư, coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo lợi thế trong việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng để phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Về phát triển nguồn nhân lực, theo Kế hoạch, tỉnh sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; có cơ chế chính sách bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc, sinh sống ổn định, lâu dài trên địa bàn. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động, đặc biệt đối với các ngành ngành kinh tế, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng (thủy sản, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, logistics và cảng biển). Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh…
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thái Bình ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh). Xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.
Thái Bình ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Theo kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công, Thái Bình sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng, tạo nền tảng bền vững trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng cấp điện; cấp nước; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các trung tâm đô thị lớn được xác định trong Quy hoạch tỉnh. Huy động các nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo quy hoạch chung. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội công lập; cơ sở cai nghiện; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực khoa học và công nghệ; các công trình, dự án thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt; quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng số, hạ tầng viễn thông thụ động, hạ tầng bưu chính, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin,...; bố trí quỹ đất, triển khai các dự án đầu tư xây dựng doanh trại, trụ sở cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời phát triển hệ thống cung cấp nước chữa cháy, các loại hình giao thông và hệ thống thông tin, liên lạc phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,...
Thu hút dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, Thái Bình xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển và phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực được xác định trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, gồm:
- Xây dựng các công trình cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng bưu chính, logistics, cảng cạn;
- Xây dựng hạ tầng năng lượng; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp;
- Các dự án đầu tư phát triển vùng kinh tế biển, ven biển;
- Xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Các dự án xây dựng hạ tầng thương mại - dịch vụ hiện đại, dịch vụ chất lượng cao;
- Các dự án cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, đô thị và nông thôn;
- Các dự án đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và đảm bảo an sinh xã hội, thông tin và truyền thông;
- Các dự án về xử lý rác thải, nước thải và giảm ô nhiễm môi trường;
- Các dự án công nghiệp công nghệ cao, điện, điện tử, trung tâm dữ liệu tập trung; công nghiệp cơ khí chế biến, chế tạo, ô tô,...
Đồng thời, chú trọng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh (năng lượng, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông thủy sản,…), sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; dự án sử dụng lao động trình độ cao; dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định. Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu quốc gia và toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 814.000 tỷ đồng
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 13,4% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh Thái Bình cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 814.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chủ đạo; nguồn vốn khu vực nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, định hướng để thu hút các nguồn lực khu vực ngoài nhà nước, cụ thể:
Đơn vị: Tỷ đồng
Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh./.