Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang: Cần nhanh chóng phòng, chống dịch cúm gia cầm

Ông Nguyễn Trường Giang.

Ông Nguyễn Trường Giang.

Sau khi tìm ra nguyên nhân hổ chết hàng loạt tại Khu du lịch (KDL) sinh thái Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa) do nhiễm cúm A/H5N1, cơ quan chức năng của Đồng Nai đã đồng loạt vào cuộc nhằm ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nên công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch cúm gia cầm (CGC) nói riêng luôn được quan tâm hàng đầu. Dịp này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang đã có những chia sẻ về công tác phòng, chống nhằm ngăn chặn CGC lây lan ra diện rộng.

Kiểm soát dịch cúm ở Khu du lịch Vườn Xoài

Thưa ông, lực lượng thú y đã triển khai các giải pháp nào để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch CGC tại KDL Vườn Xoài?

- Ngành thú y đã triển khai đồng loạt các giải pháp phòng dịch. Từ khi xuất hiện tình trạng hổ chết tại KDL Vườn Xoài đến nay, lực lượng thú y từ cơ sở đến tỉnh đã nhiều lần đến làm việc, khảo sát, kiểm tra cũng như lấy mẫu xét nghiệm CGC tại đây.

Khi xác định nguyên nhân hổ chết do nhiễm CGC, lực lượng thú y đã hướng dẫn KDL thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày; yêu cầu KDL tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với các cá thể báo và hổ còn lại trong đàn; tổ chức nuôi cách ly con bệnh và báo cáo ngay cho Chi cục Kiểm lâm và cơ quan thú y địa phương khi phát hiện trường hợp động vật hoang dã mắc bệnh, nghi mắc bệnh chết và tiếp tục phối hợp lấy mẫu xác định nguyên nhân. KDL không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có hổ và báo bị bệnh chết. Hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại đây trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Người chăm sóc động vật phải được trang bị đầy đủ bảo hộ đảm bảo không bị lây nhiễm dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cũng đã lấy thêm 5 mẫu hổ và 1 mẫu báo gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương xét nghiệm xác minh cúm A/H5N1 có lây đa loài hay không.

Việc giám sát dịch, tiêm phòng cúm rất quan trọng trong phòng dịch, công tác này đã triển khai tại KDL Vườn Xoài như thế nào?

- Sau khi tiêu hủy xong đàn hổ chết ở KDL sinh thái Vườn Xoài, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai đã phối hợp với KDL triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Đầu tiên là lấy mẫu xét nghiệm cúm A/H5N1 với các loài gia cầm và các loài thú khác trong KDL. Ngay trong ngày 3-10, lực lượng thú y đã lấy 70 mẫu xét nghiệm và hiện đều có kết quả âm tính với CGC.

Lực lượng Thú y cũng đã phối hợp với KDL tổ chức tiêm phòng vaccine CGC cho toàn bộ gia cầm và các loài có nguy cơ nhiễm CGC tại vườn thú. Dự kiến trong 1-2 ngày sẽ hoàn tất việc tiêm phòng cho các loài trong vườn thú này. Ngoài ra, vườn thú đang thực hiện nghiêm túc việc khử trùng, tiêu độc hàng ngày; hạn chế chim hoang dã bay vào khu nuôi động vật.

Lực lượng thú y tỉnh và địa phương tiêm phòng dịch cúm gia cầm tại Khu du lịch Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa).

Lực lượng thú y tỉnh và địa phương tiêm phòng dịch cúm gia cầm tại Khu du lịch Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa).

Một trong những nguyên nhân gây bệnh cúm trên hổ có thể là từ nguồn gà làm thức ăn. Việc truy xuất, xác định nguồn lây CGC A/H5N1 do nguyên nhân thức ăn trên đàn hổ tại KDL Vườn Xoài đã thực hiện như thế nào?

- Việc truy xuất, xác định nguồn lây cúm trên hổ tại KDL Vườn Xoài rất khó. Kinh nghiệm trước đến nay, việc truy tìm nguồn gốc gây bệnh hầu như khó xác định. Vì thực tế, quy trình quản lý của chúng ta vẫn đứt khúc. Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai đã làm việc với KDL Vườn Xoài và các đơn vị cung cấp gà làm thức ăn cho thú, trong tổng hơn 16 tấn gà cung cấp trong thời gian gần đây có 2-3 tấn chưa được làm rõ đến từ đâu. Chi cục đang tiếp tục làm việc để xác định nguyên nhân sự chênh lệch về số liệu giữa đơn vị mua và bán; có thể có tình trạng trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Đồng Nai đã xây dựng được 7 vùng an toàn dịch với CGC, Newcastle. Công tác quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được thực hiện khá tốt.

Ngoài nguyên nhân lây cúm có thể từ nguồn thức ăn thì còn nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, nguyên nhân lây từ động vật dễ bị lây nhiễm hiện đã lấy mẫu xét nghiệm là không có. Nhưng vẫn còn nhiều nguồn lây như: từ chim hoang dã, từ con người đi ở bên ngoài vào, ở trong ra… vẫn chưa kiểm soát được.

Không lơ là, chủ quan trong công tác phòng dịch

Thưa ông, Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với lượng gia súc, gia cầm lớn, việc xuất hiện cúm A/H5N1 khiến hổ chết hàng loạt ở KDL Vườn Xoài có gây nguy cơ lây lan dịch đến đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không?

- Hiện tổng đàn gia cầm, thủy cầm trên địa bàn tỉnh khoảng 34 triệu con gồm gà, vịt, cút, bồ câu và các loài này rất mẫn cảm với cúm A/H5N1. Do đó, nguy cơ xảy ra dịch CGC trên địa bàn tỉnh là có. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi và thú y đã tổ chức triển khai quản lý công tác an toàn dịch bệnh trên địa bàn khá tốt. Đa số các trang trại quy mô lớn, vừa trong tỉnh đã xây dựng cơ sở an toàn dịch đối với bệnh CGC và Newcastle. Những trang trại nào không đủ điều kiện thì ngành thực hiện giám sát hàng năm.

Đối với chăn nuôi nông hộ, nhất là những vùng có nguy cơ như lưu hành virus hoặc có những ổ dịch cũ, tỉnh sẽ bố trí ngân sách để tổ chức tiêm phòng. Những vùng an toàn, ngành Thú y khuyến cáo người dân tự tổ chức tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 400 trang trại được chứng nhận an toàn dịch về CGC và Newcastle.

Trước tình hình trên, ông có khuyến cáo gì với các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi?

- Theo tôi, khi đầu tư chăn nuôi thì phải có cơ sở vật chất bảo đảm an toàn sinh học, chọn giống hoặc mua con giống từ những cơ sở uy tín, được kiểm soát của ngành thú y. Trong quá trình nuôi, người nuôi phải thực hiện khai báo khi có biến động đàn hoặc khi thấy hiện tượng bất thường với cơ quan chuyên môn hoặc chính quyền địa phương để có giải pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, người chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm. Thường xuyên tiêu độc, khử trùng cho khu vực chăn nuôi cũng như các khu vực công cộng để giảm nguồn bệnh trong môi trường. Thực hiện đầy đủ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vaccine phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi.

Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/chi-cuc-truong-chi-cuc-chan-nuoi-va-thu-y-dong-nai-nguyen-truong-giang-can-nhanh-chong-phong-chong-dich-cum-gia-cam-21e5108/
Zalo