Chỉ 6% hàng nhập khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng

Việt Nam chi hơn 380 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa năm 2024, trong đó 93,6% là hàng tư liệu sản xuất, 6,4% còn lại là hàng tiêu dùng.

Một góc cảng Nam Đình Vũ. Ảnh: Trọng Tùng

Một góc cảng Nam Đình Vũ. Ảnh: Trọng Tùng

Theo báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê (GSO), năm 2024 Việt Nam chi 380,7 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, mức cao nhất giai đoạn 2013 - 2024. So với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng 16,7%.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 140,11 tỷ USD, tăng 19,5% so với năm trước (YoY); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 240,65 tỷ USD, tăng 15,1% YoY.

Về cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 356,43 tỷ USD, chiếm 93,6% tỷ trọng, bao gồm nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (chiếm 47,4%) và nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu (chiếm 46,2%).

Ngoài ra, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 đạt 24,33 tỷ USD, chiếm 6,4% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu.

Năm 2024, Việt Nam có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên một tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,1% tổng kim ngạch nhập khẩu, bao gồm 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 54% tỷ trọng).

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt 107 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm trước. Đây là năm đầu tiên kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt và vượt 100 tỷ USD.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai với 48,8 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu đứng sau lần lượt là vải với 14,9 tỷ USD, tăng 14,5% YoY; sắt thép với 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% YoY.

Việt Nam còn chi 11,7 tỷ USD để nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu từ thế giới, so với cùng kỳ năm trước kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng 20,7%; chi 10,4 tỷ USD để nhập khẩu điện thoại và linh kiện, tăng 18,9% YoY.

Ngoài nhóm 10 tỷ USD, các mặt hàng nhập khẩu lớn khác của Việt Nam còn có dầu thô với 8,11 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm trước; xăng dầu lại giảm 4,6% YoY, đạt 7,98 tỷ USD; than đá với 7,63 tỷ USD, tăng 6,6% YoY.

Việt Nam còn chi 8,28 tỷ USD để nhập hóa chất, tăng 7,3% YoY; sản phẩm chất dẻo đạt 8,85 tỷ USD, tăng 17,9% YoY; ô tô đạt 8,48 tỷ USD, tăng 22,1% YoY; kim loại thường khác với 9,55 tỷ USD, tăng 25,3% YoY.

Trong nhóm nông nghiệp, Việt Nam chi 4,9 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu, giảm 1% so với năm trước; chế phẩm và thực phẩm khác với 1,34 tỷ USD, tăng 8,6% YoY; dầu mỡ động thực vật đạt 1,39 tỷ USD, tăng 4,5% YoY.

Việt Nam còn chi 3,22 tỷ USD để nhập khẩu hạt điều từ thế giới, tăng nhẹ 0,7% so với năm trước; chi 3,04 tỷ USD để nhập khẩu ngô, tăng 6,1% YoY; thủy sản với 2,63 tỷ USD, tăng nhẹ 1,8% YoY; rau quả với 2,42 tỷ USD, tăng 23,7% YoY.

Năm 2024, Việt Nam nhập khẩu lúa mì với 1,57 tỷ USD kim ngạch, tăng 1,2% YoY; nhập khẩu đậu tương, sữa và sản phẩm sữa cùng đạt 1,12 tỷ USD, giảm lần lượt 3,6% YoY và 2,8% YoY.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước; nhập khẩu đạt 380,7 tỷ USD, tăng 16,7% YoY.

Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ghi nhận xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm 2023 xuất siêu 28,4 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chi-6-hang-nhap-khau-cua-viet-nam-la-hang-tieu-dung-37282.html
Zalo