Chỉ 1% người mắc Alzheimer ở Việt Nam được thăm khám và điều trị

Đây là thông tin được Đại tá Dương Thị Thu Hằng - Giám đốc Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) cho biết tại buổi hội thảo khoa học 'Tiếp cận điều trị toàn diện người bệnh suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ' tổ chức sáng 15/9.

Đại tá Dương Thị Thu Hằng - Giám đốc Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) cho hay, theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2023, TPHCM là địa phương có tỉ lệ người cao tuổi cao nhất cả nước (hơn 12%).

Đại tá Dương Thị Thu Hằng - Giám đốc Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) chia sẻ tại hội thảo.

Đại tá Dương Thị Thu Hằng - Giám đốc Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) chia sẻ tại hội thảo.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

"Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 25%. Trong đó có 60-70% số người bị Alzheimer/số người bị sa sút trí tuệ.

Năm 2020, Việt Nam có 500.000 bị Alzheimer nhưng chỉ có 5.000 người được chẩn đoán và điều trị (tương đương 1%). Hiện trên cả nước ta chỉ có dưới 10 đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ. Trong đó, Đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ của Bệnh viện 30-4 là cơ sở y tế đầu tiên ở phía Nam triển khai điều trị bệnh Alzheimer. Theo đó, tại đây có thể chẩn đoán và điều trị dùng thuốc, trị liệu không dùng thuốc; triển khai các khóa hỗ trợ người chăm sóc; cơ sở thực hành, nghiên cứu khoa học về sa sút trí tuệ" - Đại tá Dương Thị Thu Hằng nói.

Người dân được bác sĩ tư vấn và tầm soát bệnh Alzheimer.

Người dân được bác sĩ tư vấn và tầm soát bệnh Alzheimer.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị - Nguyên Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer Việt Nam chia sẻ, người bị bệnh Alzheimer đến khám và được chẩn đoán tại các cơ sở y tế thường không phải là giai đoạn sớm của bệnh. Do vậy, vấn đề điều trị và chăm sóc bệnh gặp rất nhiều khó khăn, đa số bệnh nhân được chăm sóc và theo dõi tại nhà.

Trong khi đó, người chăm sóc chưa được trang bị những kiến thức, hiểu biết về bệnh và những kỹ năng chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. Vì vậy, nó trở thành gánh nặng chăm sóc cho người thân và xã hội (tài chính, công việc, sức khỏe, tinh thần của người chăm sóc).

Cũng theo PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị, bệnh Alzheimer là bệnh hiểm ác đối với người già vì làm người bệnh mất đi chất lượng sống. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, tỉ lệ sa sút trí tuệ là vấn đề lớn ở Việt Nam nhưng nhận thức về vấn đề sa sút trí tuệ vẫn còn hạn chế. Bệnh Alzheimer không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể là cải thiện. Việc điều trị bệnh Alzheimer rất tốn kém. Do vậy, việc tổ chức chương trình hưởng ứng tháng Alzheimer giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về bệnh Alzheimer và khuyến khích người cao tuổi nâng cao nhận thức sớm hơn.

Chung quan điểm với các đại biểu, TS.BS Trần Công Thắng - Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer Việt Nam cho biết, sa sút trí tuệ là một bệnh lý ngày càng gia tăng. Điều trị sa sút trí tuệ hiện nay tập trung vào phòng bệnh, điều trị triệu chứng suy giảm nhận thức và hỗ trợ phục hồi nhận thức. Triển vọng điều trị bệnh đang được hỗ trợ nhiều từ các tiến bộ của y học và khoa học.

Có rất nhiều thách thức cho việc kiểm soát được bệnh lý sa sút trí tuệ. Điều trị bệnh Alzheimer rất tốn kém, việc phát động tháng Alzheimer không chỉ phát động cho người bệnh mà giúp người thân hiểu và thông cảm cho bệnh lý này.

Sáng 15/9, Hội thảo Tiếp cận điều trị toàn diện người bệnh suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ do Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các chuyên gia về lão khoa, thần kinh đến từ các bệnh viện trên địa bàn TPHCM và 11 đơn vị bệnh viện, bệnh xá công an các đơn vị, địa phương.

Bên cạnh chương trình hội thảo, Bệnh viện 30-4 còn tổ chức chương trình tầm soát, tư vấn cho hơn 100 người dân, đại biểu tham dự.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chi-1-nguoi-mac-alzheimer-o-viet-nam-duoc-tham-kham-va-dieu-tri-169240915114357687.htm
Zalo