Chênh lệch thưởng Tết khá lớn của các doanh nghiệp Bình Phước
Ngày 23/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết đã có báo cáo kế hoạch thưởng Tết Dương lịch năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, đa số doanh nghiệp lên kế hoạch thưởng cho người lao động bằng một tháng lương. Kế hoạch, mức thưởng Tết âm lịch có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể: Doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp tư nhân là Công ty Cổ phần Kim Tín MDF và Công ty Cổ phần Kim Tín gỗ xanh với mức thưởng 70 triệu đồng. Cũng ở khối này, mức thưởng thấp nhất là 500 ngàn đồng thuộc về Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải Thành Công.
Trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức thưởng cao nhất là 60 triệu đồng thuộc về Công ty Cổ phần VELMAR-CN Bình Phước.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước là chủ sở hữu, mức thưởng cao nhất là 60,1 triệu đồng (thuộc về Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao su Phú Riềng) và thấp nhất là 500 ngàn đồng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Lộc Ninh).
Với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, mức thưởng cao nhất là 55 triệu đồng (Công ty Cổ phần thủy điện Srock Phu Miêng IDICO) và thấp nhất là 800 ngàn đồng (Công ty Cổ phần cao su Đồng Phú).
Về thưởng Tết dương lịch, trong 80 doanh nghiệp gửi báo cáo có 8 doanh nghiệp chưa có kế hoạch; 38 doanh nghiệp không thưởng, 34 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng. Cụ thể: Khối doanh nghiệp FDI mức thưởng cao nhất là Công ty Cổ phần VELMAR-CN Bình Phước thưởng cao nhất với mức 60 triệu đồng. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là 55 triệu đồng (Công ty Cổ phần thủy điện Srock Phu Miêng IDICO). Doanh nghiệp tư nhân là 40 triệu đồng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn chăn nuôi Hòa Phước).
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, thống kê từ 80 doanh nghiệp với 32.754 lao động cho thấy, năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Trong đó, doanh nghiệp có mức lương trả cao nhất là Công ty Cổ phần Câu lạc bộ Bóng đá Trường Tươi với 400 triệu đồng/tháng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao su Bình Long (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có mức lương thực trả cao nhất là 69,4 triệu đồng/tháng. Công ty Cổ phần môi trường Miền Đông tại Lộc Ninh (doanh nghiệp tư nhân) có mức lương trả thấp nhất 3,88 triệu đồng/tháng.
Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức lương thực trả cao nhất là 55 triệu đồng (Công ty Cổ phần thủy điện Srock Phu Miêng IDICO). Trong doanh nghiệp FDI, mức lương thực trả cao nhất là 82,77 triệu đồng (Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Dongwha); mức lương thực trả thấp nhất là 4,3 triệu đồng/tháng (Chi nhánh Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam).
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết thêm, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tương đối tốt. Mối quan hệ lao động từng bước được cải thiện theo đúng mục tiêu hài hòa, ổn định và tiến bộ. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Phước không xảy ra tình trạng nghỉ việc tập thể trái pháp luật.