Check-in cũng cần hiểu nghệ thuật
Sự phát triển của các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phản ánh đời sống tinh thần của một đô thị. Nhưng để tác phẩm nghệ thuật phát huy giá trị và đồng hành cùng sự phát triển bền vững của xã hội, cần một thế hệ khán giả đủ hiểu cái đẹp để nhìn thấy các giá trị của chúng.
Sức hút của nghệ thuật thị giác
Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TPHCM giai đoạn 2020-2035” (gọi tắt là Đề án) của UBND TPHCM, trong 5 năm qua, cơ quan chức năng đã cấp phép hơn 700 hồ sơ triển lãm, mỹ thuật, nhiếp ảnh; phần lớn do Hội Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Hội Nhiếp ảnh TPHCM đứng ra tổ chức.
Số liệu trên cho thấy, trung bình mỗi năm thành phố có khoảng 140 triển lãm, mỗi tháng trên dưới 10 triển lãm. Điều này phản ánh sự nhộn nhịp và sức hút trong hoạt động nghệ thuật thị giác, nhất là triển lãm hội họa - một lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi người thưởng lãm phải có một khả năng cảm thụ nhất định và không quá rầm rộ so với điện ảnh, âm nhạc, hay sân khấu hiện đại.
Bên cạnh đó, báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án cũng nêu rõ, UBND TPHCM đã giao Sở VH-TT xây dựng phương án trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật theo hướng sáng tạo, hiện đại tại trục đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và phương án chỉnh trang Công viên Chi Lăng thành công viên kiến trúc, mỹ thuật theo hướng sắp đặt trưng bày các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Đây là vấn đề được đông đảo giới chuyên môn và người hoạt động trong lĩnh vực quan tâm, bởi nó góp phần kiến tạo bộ mặt đô thị thành phố và là bước khởi đầu nền tảng trong việc nâng cao thẩm mỹ cộng đồng và giá trị thụ hưởng đời sống tinh thần của người dân.
Bên cạnh đó, Đề án “Phát triển tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn thành phố đến năm 2035” cũng đang được xây dựng theo hình thức đề án khoa học. Hiện nay, đề án này đã hoàn chỉnh đề cương, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở VH-TT TPHCM phối hợp Sở KH-CN thực hiện các nội dung về phê duyệt kinh phí thực hiện theo quy định.
Nâng chất khán giả cho nghệ thuật hàn lâm
Sự cần thiết và tính quan trọng của cơ sở vật chất, để làm nền tảng phát triển nghệ thuật lâu dài là điều thấy rõ. Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tốt đẹp khác với sản phẩm giải trí theo xu hướng thị trường, trước hết cần khán giả đủ hiểu để cảm thụ và phân loại.
Vài năm trở lại đây, các triển lãm hội họa dần thu hút khách tham quan, khi không gian thưởng lãm ngày càng được đầu tư, áp dụng công nghệ, hệ thống chiếu sáng cao cấp… vào trưng bày. Và yếu tố quan trọng hơn hết chính là việc khách tham quan một triển lãm, nhưng có thể mang về cho mình cả bộ ảnh, vì mỗi góc trưng bày đều thiết kế tối ưu thị giác để khách có thể chụp những tấm hình lung linh. Các không gian trưng bày nghệ thuật, phòng tranh nắm bắt tâm lý khách tham quan, luôn có sẵn đội ngũ hỗ trợ các tour thưởng lãm, thuyết minh để khách xem dễ cảm thụ tác phẩm và hỗ trợ việc chụp ảnh bằng máy chuyên nghiệp cho khách, nhất là các triển lãm nghệ thuật sắp đặt.
Lướt qua các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh ai đó check-in ở các triển lãm tranh, tượng, hay nghệ thuật sắp đặt… nhưng đeo kính mát để thêm vẻ ấn tượng. Điều này không sai, và cũng không ảnh hưởng gì đến tác phẩm đang trưng bày hay không gian thưởng lãm, nhưng nó vụng về trong việc thưởng thức nghệ thuật.
Một nữ giám tuyển đang làm việc tại TPHCM phân tích: “Nghệ thuật thị giác chính là xem và cảm thụ bằng mắt là chủ yếu, bạn đeo kính mát có thể sẽ đẹp khi lên hình, nhưng chắc chắn không thể thưởng thức trọn vẹn được một bức tranh hay bức tượng. Và ở đây là chuyện tinh tế trong việc tôn trọng tác giả cũng như lịch sự cơ bản, ở nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, khán giả có thể ra về ngay lập tức nếu cảm thấy không thích phần trưng bày đó, thoải mái chia sẻ cảm xúc khen chê, nhưng họ luôn xếp kính mát vào túi khi đến xem triển lãm. Điều này, để bày tỏ rằng họ tôn trọng sáng tạo nghệ thuật, thưởng lãm trọn vẹn, còn đẹp xấu là tùy ý mỗi người”.
Cái đẹp nằm trong cảm nhận của cá nhân, tuy nhiên để cảm nhận trọn vẹn, trong lộ trình nâng tầm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, cần chú trọng đến người thụ hưởng - chính là việc nâng cao thẩm mỹ cộng đồng.