Chè Việt - Di sản và tương lai: Vinh danh và khát vọng

Việt Nam là một trong những 'cái nôi' của cây chè, với các vùng chè trứ danh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Lâm Đồng...

Chè, một thức uống quen thuộc và được ưa chuộng trên toàn thế giới, từ lâu đã được biết đến với những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Người Trung Quốc cổ đại đã nhận định: "Chè là loại nước uống bổ dưỡng, có giá trị sinh học cao, giúp chữa được một số bệnh về tim mạch, đột quỵ, xương khớp, tiêu hóa, lợi tiểu và chống nhiễm xạ". Đối với Việt Nam, chè không chỉ đơn thuần là một loại thức uống mà còn là một nét văn hóa đặc sắc, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân.

Chè xanh là một trong những đặc sản của Việt Nam

Chè xanh là một trong những đặc sản của Việt Nam

Việt Nam là một trong những "cái nôi" của cây chè, với những vùng chè trứ danh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Lâm Đồng... Ngành chè không chỉ đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân mà còn tạo sinh kế cho gần 60.000 hộ nông dân và hàng triệu người lao động tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè.

Là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu chè hằng năm đạt hàng trăm triệu USD. Tính đến năm 2022, diện tích trồng chè toàn quốc đạt 124.000ha, sản lượng ước tính 1.000.000 tấn chè búp tươi. Trong giai đoạn 2000-2010, cây chè đã được xác định là một trong 10 chương trình trọng điểm phát triển nông nghiệp. Hiện nay, chè được chính phủ định hướng là một trong 6 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra cơ hội to lớn cho ngành chè thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Tây Âu, Bắc Mỹ. Để giữ vững thị trường trong nước và nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, ngành chè Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm và công nghệ chế biến.

Đại dịch COVID-19 làm biến động kinh tế toàn cầu và những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chè Việt Nam. Tuy nhiên, với bản lĩnh kiên cường và tinh thần đoàn kết, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp ngành chè đã vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Ông Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng, thông qua chương trình này, chúng ta sẽ không chỉ vinh danh những doanh nhân xuất sắc mà còn tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành chè Việt Nam".

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Ngành chè Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và chúng tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu chè Việt trên thị trường quốc tế".

Chương trình "Vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè Việt Nam" hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy di sản trà của Việt Nam, đưa thương hiệu chè Việt Nam vươn xa hơn nữa trên thị trường thế giới.

Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè, Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội và Hiệp hội Chè Việt Nam đã ký kết hợp tác tổ chức chương trình vinh danh mang tên "Chè Việt - Di sản và tương lai". Lễ ký kết diễn ra sáng 20.9.2024 tại Hà Nội.

Chương trình "Chè Việt - Di sản và tương lai" với mục đích:

- Ghi nhận và tôn vinh những cống hiến, thành tựu xuất sắc của doanh nhân, doanh nghiệp ngành chè Việt Nam.

- Tạo diễn đàn giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia trong ngành chè.

- Khẳng định vị thế và thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế.

- Quảng bá hình ảnh, văn hóa trà Việt đến bạn bè thế giới.

- Thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm phát triển ngành chè bền vững.

Thông tin chi tiết sự kiện:

Thời gian: ngày 9.11.2024.

Địa điểm: TP.Hà Nội.

Chủ trì: Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội và Hiệp hội Chè Việt Nam.

Đồng tổ chức: Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam; Cộng đồng Yêu Trà Việt.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/che-viet-di-san-va-tuong-lai-vinh-danh-va-khat-vong-224110.html
Zalo